"Chứng nhân” của 6 ca tách dính tại Việt Nam kể lại khoảnh khắc căng não chia đại tràng cho Trúc Nhi – Diệu Nhi
- Y học 360
- 14:02 - 24/07/2020
Ngày thứ 8 ca mổ tách rời hai bé gái song sinh dính nhau vùng bụng chậu tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), sức khỏe của "song nhi" đang tốt dần lên. Diệu Nhi đã được cai máy thở, cả 2 bé đang được cắt dần nẹp bột.
Chia đôi hay chị nhường hết đại tràng cho em?
TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM), thành viên ekip Ngoại tổng quát ca đại phẫu Trúc Nhi – Diệu Nhi kể lại, trong nhiều lần hội chẩn trước mổ, các thành viên trong ekip cãi nhau rất nhiều về việc sẽ chia đại tràng chung của 2 bé như thế nào.
Theo BS Trí, nguyên tắc khi tách dính trong y văn là chia đôi bộ phận dính nhau cho 2 bé. Tuy nhiên trên hình ảnh chẩn đoán lại cho thấy máu nuôi đại tràng của Trúc Nhi không đủ.
Do đó, giải pháp mới được đặt ra là dành toàn bộ đại tràng cho Diệu Nhi. Đồng thời đưa ruột non ở đoạn cuối hồi tràng ra làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn cho Trúc Nhi.
Một phương án khác cũng được nhắc đến là chỉ lấy một phần đại tràng đủ máu nuôi cho Trúc Nhi, toàn bộ phần còn lại sẽ dành cho Diệu Nhi, tuỳ theo lượng máu nuôi được xác định trong cuộc mổ.
Việc đánh giá máu nuôi với ruột rất quan trọng. Nếu đánh giá và mổ không tốt, bệnh nhân có thể hoại tử ruột, viêm phúc mạc và tử vong, ca mổ sẽ thất bại.
Cuộc họp cuối cùng, BS Trí đã tranh luận với hội đồng chuyên môn rằng máu nuôi ruột non của Trúc Nhi vẫn nuôi tới nửa khung đại tràng của Diệu Nhi, quyết tâm phải chia đôi đại tràng cho 2 bé.
"Lúc đó bằng kinh nghiệm và căn cứ vào hình ảnh giải phẫu bệnh, tôi nghĩ do thuốc chụp cản quang chưa chạy tới mạch máu của Trúc Nhi nên chưa hiện rõ trên phim. Không phải do chẩn đoán sai mà là do thời điểm chụp. Và trong quá trình phẫu thuật, rõ ràng động mạch treo tràng trên của 2 bé đều nuôi khung đại tràng và máu vẫn đủ nuôi khi tách đôi".
Nhờ đánh giá đúng hướng từ đầu, việc cắt đại tràng "song Nhi" tương đối thuận lợi. Tổng quá trình để xử lý vấn đề tiêu hóa khoảng 1 tiếng đồng hồ.
"Chứng nhân" của những ca tách dính song sinh
Từ những năm 2000 sau khi đi học từ nước ngoài về, TS.BS Trí đã có cơ hội trực tiếp tham gia vào ekip mổ song tinh dính nhau với Giáo sư Trần Đông A và sau này là TS.BS Trương Quang Định tại BV Nhi Đồng 2.
Đến nay, có 6 ca tách dính song nhi đã "qua tay" của vị bác sĩ này.
Bác sĩ Trí nhớ lại, những ca tách dính mà ông từng thực hiện đa số là trước dính ngực, bụng, dính gan, màng ngoài tim, xương ức…
"Nếu đánh giá thực sự khó khăn thì tôi nghĩ là ở 2 ca gần nhất mình thực hiện.
Đó là trường hợp 2 bé ở BV Nhi Đồng 2 vào năm 2017 dính vùng cùng cụt (Bảo Hân – Bảo Ân). Ca này khó về tiên lượng da (không đủ da ghép) và vấn đề nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương vì dính nhau ở vùng chóp tuỷ.
Nếu không đủ da và không xử lý tốt hệ thống thần kinh thì thực sự trở ngại. May mắn là da đủ và vấn đề xử lý rò dịch não tuỷ được các bác sĩ Ngoại thần kinh giải quyết rất tốt.
Trong khi đó, trường hợp của Diệu Nhi – Trúc Nhi lại dính các cơ quan nội tạng, phải tiên lượng các tình huống khác nhau kỹ lưỡng để chia các cơ quan đủ máu nuôi.
Thành công trước mắt thì dễ nhưng hậu phẫu mới nặng nề. Ruột có bị hoại tử hay không, các cơ quan niệu dục chia ra có thiếu máu hay không, hoạt động tốt không… rất nhiều vấn đề phải lo" – bác sĩ Trí nhận định.
Thành công nhiều nhưng cũng từng có lần bác sĩ Trí nếm trải cảm giác thất bại. Như trường hợp của cặp song sinh Phi Long – Phi Phụng ở Ninh Thuận.
Sau khi phẫu thuật tách rời và khép ngực lại, Phi Phụng bị thiếu xương ức, thiếu màng ngoài tim. Ekip phẫu thuật đã tiên lượng từ trước và dùng tấm ghép nhân tạo, nhưng cuối cùng tấm ghép lại bị thải. Kết quả là sau đó, một trong 2 bé mất đi.
Là "chứng nhân lịch sử", bác sĩ Trí cho rằng việc tách dính song nhi là sự phối hợp của nhiều khoa.
Mỗi khoa cần có những chuyên gia rất giỏi, có kỹ năng và nhiều kinh nghiệm để làm sao phối hợp, điều hòa trong cuộc mổ nhằm kiểm soát được tiến trình mổ, có kịch bản tốt, không để việc đông bác sĩ làm lộn xộn.
"Cũng vui, nhưng vừa vừa thôi"
Trở lại với cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, BS Trí cho rằng phần việc của mình là không khó vì hình ảnh chẩn đoán tương đối rõ ràng, đã tiên lượng được hết các tình huống xảy ra.
Dù vậy, dị tật dính nhau rất đa dạng, phải mổ mới biết chính xác đặc điểm mạch máu của 2 bé.
Ngoài ra, ca mổ cũng thuật lợi khi được kế thừa tiến bộ của y học về cận lâm sàng, sự phát triển của các chuyên khoa phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật tim, phẫu thuật ngoại thần kinh…
Đặc biệt, trình độ gây mê hồi sức nhi tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong vài chục năm trở lại đây. Bác sĩ có thể gây mê ở nhiều tư thế khác nhau, kiểm soát huyết động học lúc mổ rất tốt.
Từ đó hỗ trợ rất nhiều trong các cuộc đại phẫu tách dính nhi.
Được hỏi về cảm xúc sau khi phẫu thuật thành công, bác sĩ Trí mỉm cười, nói rằng riêng mình chỉ… "vui vừa vừa" thôi.
"Mình làm xong việc và không sai sót thì phải vui. Nhưng quen rồi, quá trình sau mổ còn nặng nề lắm. Ví dụ như ruột, tiết niệu có thể xì rò những điểm nối, da nhiễm trùng hoặc thiếu máu nuôi ở một đoạn nào đó…
Đã làm việc với từng ekip mổ tách dính khác nhau, BS Trí cho rằng ở mỗi cuộc đại phẫu tách dính, phẫu thuật viên cần phải tham gia đầy đủ những lần hội chẩn để được nghe các chuyên gia phân tích, tranh luận và đưa ra những cách xử trí đúng đắn, dựa trên kinh nghiệm và y học chứng cứ.
Điều này sẽ giúp các bác sĩ trẻ học hỏi rất nhiều, giúp cả bác bác sĩ đầu ngành không bị chủ quan với nhận định của mình.