THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:57

Chức năng và cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Vietnam Academy of Science and Technology, viết tắt là VAST.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Tham gia thẩm định trình độ công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật các công trình trọng điểm, quan trọng của Nhà nước và của các địa phương theo sự phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam

Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam

Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu cơ bản về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như: Toán học; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; điện tử, tự động hoá; công nghệ vũ trụ; khoa học vật liệu; đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học; khoa học trái đất; khoa học và công nghệ biển; môi trường và năng lượng; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

Bên cạnh đó, nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và môi trường; triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ; đề xuất và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia theo phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;...

Về cơ cấu tổ chức, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 38 đơn vị gồm:

1- Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra.

2- Ban Kế hoạch - Tài chính.

3- Ban Hợp tác quốc tế.

4- Ban ứng dụng và Triển khai công nghệ.

5- Văn phòng.

6- Viện Toán học.

7- Viện Vật lý.

8- Viện Hoá học.

9- Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên.

10- Viện Cơ học.

11- Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

12- Viện Địa lý.

13- Viện Địa chất.

14- Viện Vật lý địa cầu.

15- Viện Hải dương học.

16- Viện Tài nguyên và Môi trường biển.

17- Viện Địa chất và Địa vật lý biển.

18- Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường.

19- Viện Khoa học vật liệu.

20- Viện Công nghệ thông tin.

21- Viện Công nghệ sinh học.

22- Viện Công nghệ hoá học.

23- Viện Công nghệ vũ trụ.

24- Viện Cơ học và Tin học ứng dụng.

25- Viện Sinh học nhiệt đới.

26- Viện Kỹ thuật nhiệt đới.

27- Viện Khoa học vật liệu ứng dụng.

28- Viện Hoá sinh biển.

29- Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

30- Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên.

31- Viện Nghiên cứu hệ Gen.

32- Trung tâm Thông tin - Tư liệu.

33- Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

34- Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ.

35- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao.

36- Trung tâm Tin học và Tính toán.

37- Học viện Khoa học và Công nghệ.

38- Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (5) nêu trên là các đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Văn phòng được tổ chức 08 phòng.

Các đơn vị quy định từ (6) đến (31) nêu trên là các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Các đơn vị quy định từ (32) đến (38) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.

Các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Về Điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm bảo đảm theo đúng quy định, cụ thể như sau:

Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang tiếp tục hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập vào Viện Hải dương học quy định tại (15) nêu trên.

Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường theo quy định (18) nêu trên.

Trung tâm Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao theo quy định tại (35) nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023 và thay thế Nghị định số 60/2017/NĐ-CP ngày 15/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

MINH ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh