Chuẩn bị lễ vật gì đêm giao thừa Canh Tý để nghênh đón tài thần, cầu một năm bình an, may mắn?
- Y học 360
- 23:55 - 24/01/2020
Trao đổi với Laodong.vn, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - cúng giao thừa là nghi lễ thiêng liêng của người Việt Nam trước khi bắt đầu Tết Nguyên Đán. Một năm sẽ bắt đầu vào lúc giao thừa và lại kết thúc vào lúc giao thừa năm sau.
Người người Việt thường làm hai mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà. Thời điểm cúng thường được tiến hành vào giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới – 0h ngày mùng 1 Tết.
Người Việt tin rằng giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành khiển sẽ bàn giao công việc cai trị trong năm. Có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Vì thế, mâm cúng giao thừa ngoài trời được ví như một buổi tiệc để tiễn đưa các vị quan hành khiển và phán quan năm cũ và nghênh đón vị thần mới.
Hiện nay, nhiều gia đình, đặc biệt gia đình trẻ có những băn khoăn về việc chuẩn bị lễ vật cho nghi lễ cúng giao thừa.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Phương - chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á mỗi vùng có cách bày tỏ tấm lòng thành kính với các vị thần linh một cách khác nhau. Có nơi cúng giao thừa bằng gà, bằng thịt lợn hay bằng cá. Miễn sao người dân thấy món ăn nào đã ăn quen và đi vào tiềm thức của mọi người thì sẽ chế biến món đó một cách công phu, để dâng cúng thần linh, tổ tiên.
Mâm cỗ cúng giao thừa truyền thống thường bao gồm có các lễ vật: Thủ lợn hoặc gà luộc, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa, quả, rượu và vàng mã. Trên hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.
Quan trọng nhất trong mâm cúng giao thừa là phải có rượu, tức là có hương vị. Vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ cũng nên thực hiện cúng ngoài trời trước rồi mới tới trong nhà.
Người thực hiện nghi thức cúng phải ăn mặc trang trọng, rồi thắp hương để chiêu được thần linh, tổ tiên, bày tỏ những nguyện vọng của mình trong thời khắc năm mới vừa tới.
Hiện nay có một số người quan niệm năm con gì thì cúng con đấy, như năm Dậu cúng gà, năm Sửu cúng trâu... hoặc lại có quan niệm năm con gì thì kiêng cúng con đấy. Theo một số chuyên gia văn hóa thì quan niệm này không đúng, bởi theo tục lệ chỉ cần có thịt động vật trên mâm cỗ là được.
Cũng có gia đình làm cỗ ngọt và chay hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo; mứt Tết và các loại đồ uống khác.
Tùy điều kiện mỗi gia đình có thể sắm lễ vật khác nhau, có thể chỉ là đĩa thịt lợn luộc, cần nhất vẫn là lòng thành, các vị Hành khiển chỉ cần chứng nhận qua chén rượu, nén hương... miễn sao trong đó chứa đựng tấm lòng thành kính.
Liên quan đến lễ cúng đêm giao thừa, Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho hay, theo Thượng tọa Thích Minh Hóa (chùa Minh Phước, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh): "Hằng năm theo phong tục cổ truyền Việt Nam, thiết lễ giao thừa tiễn năm cũ chúc mừng năm mới đến để mọi sự an lạc đến với tất cả mọi người. Đúng 12 giờ đêm đặt một hương án trước sân nhà.
Lễ vật gồm có: Dĩa trái cây ngũ quả (bên trái), một bình bông (bên phải, từ ngoài nhìn vào), ba ly trà, ba ly rượu, ba dĩa mứt, một lư hương, ba cây nhang thơm, hai cây đèn, xôi, chè.
Giấy cúng kim ngân, tiền bạc, thổ thần, thổ địa, ngũ công tất cả các chư vị. Trong đó, ngũ quả (theo miền Nam) gồm: Cầu, dừa, đủ (đu đủ), xoài, thanh long; tượng trưng cho ngũ hành; ngũ hành tương sanh, ngũ hành tương khắc. Mọi người phải có niềm tin để cúng, cầu nguyện.
Trước hết cầu nguyện cho quốc thái dân an, tất cả mọi người đều được vạn sự như ý từ đầu năm cho đến những cuối năm. Điều lành đem tới điều dữ tống đi. Cầu tài lộc đủ đầy, sức khỏe dồi dào, thanh tâm an lạc. Phước lộc thọ miên trường, bồ đề tâm mãn nguyện".
Năm nay là năm Canh Tý nên khấn vị: "Thiên ôn Hành binh, ông Châu vương Hành khiển".