THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:03

Chuẩn bị đối phó bão số 6: Chủ động di dời người và tài sản khỏi vùng nguy hiểm

Chuẩn bị đối phó bão số 6: Chủ động di dời người và tài sản khỏi vùng nguy hiểm
 - Ảnh 1.

Dự báo vị trí, đường đi của bão số 6. Ảnh NCHMF.

Bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) đang mạnh lên cấp 12, giật cấp 15 có thể đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ngày 10/11.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều ngư dân tại miền Trung đã chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó. Lực lượng chức năng chủ động liên lạc với các tàu cá của ngư dân trong khu vực khẩn trương vào tránh trú bão trong các âu tàu, lòng hồ.

Theo đó, sáng nay (8/11), Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 6 và mưa, lũ lớn có thể xảy ra sau bão.

Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các hộ dân ở trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét để chủ động tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng do bão chằng chống, gia cố nhà cửa. 

Các nhà máy, xí nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp chủ động chằng chống, gia cố nhà xưởng nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có bão xảy ra. 

Các địa phương cần bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người tham gia giao thông an toàn qua các ngầm tràn, chủ động ngăn cấm lưu thông qua các ngầm tràn đã bị ngập, có nước chảy xiết trong thời gian ảnh hưởng bão, lũ.

Ông Bính yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, tránh va đập và bị đứt neo khi có gió bão mạnh xảy ra; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.

Tại Đà Nẵng, hàng ngàn ngư dân ở Đà Nẵng đã di dời, neo đậu tàu thuyền để tránh bão số 6 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Từ ngày 8/11/2019, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; tổ chức kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Tại Bình Định, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, công tác kiểm đếm và kêu gọi tàu cá của ngư dân trên biển đang được ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai.

Cũng trong ngày hôm nay, Bình Định cũng cử nhiều đoàn công tác về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 6. 

Chuẩn bị đối phó bão số 6: Chủ động di dời người và tài sản khỏi vùng nguy hiểm
 - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão số 6. Ảnh: THUẬN HÓA.

Ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, nhận định bão số 6 có sức gió lớn nên địa phương khẩn cấp lên phương án sơ tán hàng nghìn người dân vùng ven sông, ven biển, vùng sạt lở núi, vùng nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. 

"Chúng tôi huy động lực lượng tại chỗ sơ tán toàn bộ hộ dân sống dọc tuyến kè Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) bị bão số 5 gây sạt lở đến nơi an toàn; hỗ trợ sơ tán hơn 1.200 hộ dân có nhà sập, hư hỏng do bão số 5 tàn phá đến nơi ở an toàn, ổn định trước khi bão số 6 đổ bộ", ông Hổ nói. 

Rút kinh nghiệm từ bão số 5, Bình Định yêu cầu các địa phương giúp dân giằng, chống nhà cửa, buộc tàu thuyền tránh gây va đập, đứt neo trôi dạt hư hỏng trong bão số 6. Địa phương này cũng kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tăng cường một tàu cứu nạn chuyên dụng có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết gió giật cấp 9, cấp 10 sẵn sàng ứng cứu sự cố trên biển. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục liên lạc kêu gọi các phương tiện trên biển biết diễn biến của bão, chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm để tìm nơi trú tránh an toàn; duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý khi có tình huống xảy ra. Các địa phương cần xác định rõ ba nhóm người (lao động trên lồng bè nuôi thủy sản, sinh sống ở vùng xung yếu do triều cường, vùng trũng thấp); kiên quyết áp dụng các biện pháp sẵn sàng sơ tán, thậm chí cưỡng chế di dời người dân trong những nhóm này đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND Trần Hữu Thế cũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm về những hạn chế khi ứng phó với cơn bão số 5, khắc phục tâm lý chủ quan, không chấp hành theo sự hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn của cơ quan chức năng. Đồng thời, các địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi bão vào đất liền; thực hiện chằng chống nhà ở, công trình, trường học; cơ số thuốc, thực phẩm hỗ trợ người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Hồi 10 giờ ngày 08/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh