Chùa Tam Chúc những ngày cận kề Đại lễ Vesak
- Tây Y
- 17:51 - 01/05/2019
Quần thể chùa Tam Chúc nhìn từ xa (ảnh Chu Lương)
Đại lễ Vesak năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Như vậy, chỉ còn 10 ngày nữa sẽ diễn ra Đại lễ, do đó công tác thi công đang được gấp rút hoàn thiện với hàng nghìn công nhân, kỹ sư làm việc mỗi ngày.
Cỏng chùa Tam Chúc đang được thi công (ảnh Chu Lương)
Trao đổi với PV Báo Dân sinh, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự TW GHPGVN, Phó Chủ tịch Thường trực Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, đồng thời là trụ trì chùa Tam Chúc cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019 đã cơ bản hoàn thành, tất cả các khâu chuẩn bị, đặc biệt là tiến độ xây dựng chùa đã đạt đến 98%, hiện chỉ có một số hạng mục phụ vẫn đang được triển khai xây dựng, còn tất cả công việc gần như đã cơ bản hoàn thành, các khâu thu dọn vệ sinh đang được gấp rút.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đòng Trị sự TW GHPGVN, Phó Chủ tịch Thường trực Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 trao đổi với PV Báo Dân sinh
Chùa Tam chúc có 5 hạng mục chính, trong đó công trình nằm cao nhất trong quần thể là Chùa Ngọc, nằm trên đỉnh núi Thất Tinh, Kế đến là Điện Tam Thế (thờ 3 vị Đức phật), xuống thấp hơn là Điện Thích Ca (Thờ Đức phật Thích Ca), rồi đến Điện Quan Âm (Thờ Quan Thế Âm Bồ Tát), và cuối cùng là Tam Quan và Trung tâm hội nghị Quốc tế Vesak ngay cổng ra vào, đã được hoàn tất đi vào sử dụng. tất cả cổng chính đều hướng ra mặt hồ rất đẹp.
Công trình nằm cao nhất trong quần thể là Chùa Ngọc, nằm trên đỉnh núi Thất Tinh (ảnh Chu Lương)
Quần thể chùa Tam Chúc tại Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) tọa lạc trên diện tích 5.100ha, được xây dựng với hàng nghìn bức tranh bằng đá được ghép tỉ mỉ, cẩn thận bởi những người thợ thủ công lành nghề với 1.200 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam, cùng với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn mỗi cột.
Quần thể chùa Tam Chúc tại Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) tọa lạc trên diện tích 5.100ha (ảnh Chu Lương)
Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, trong dịp cao độ này, để chuẩn bị hoàn thành các công trình, mỗi ngày có đến 2000 công nhân, kỹ sư túc trực thi công chia làm 3 ca làm cả ngày lẫn đêm.
Chùa được xây dựng rất công phu, có 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn mỗi cột (ảnh Chu Lương)
Còn để phục vụ cho Đại lễ Vesak, ngoài 1.500 người thì Giáo hội Phật giáo Việt nam còn phải huy động thêm hàng nghìn tình nguyện viên, là các sinh viên, phật tử đang theo học tại các trường cao đẳng, Đại học.
Hiện công tác hoàn thiện đang được gấp rút với khoảng 2000 công nhân, kỹ sư làm ngày đêm (ảnh Chu Lương)
Năm nay, điểm nhấn của Đại lễ Vesak là Chùa Tam Chúc với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn. Đặc biệt là tượng phật được làm bằng đá núi lửa được lấy từ Indonexia và Ấn Độ.
Bến thuyền đã đi vào hoạt động đón khách (ảnh Chu Lương)
Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, như Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia...
Hiện tại các công trình Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm dã đón khách thập phương (ảnh Chu Lương)
Đại lễ Vesak năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, dự kiến đón tiếp đón khoảng hơn 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc, nhà tu hành và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cùng với khoảng 10.000 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam.
Điện Tam Thế (thờ 3 vị Đức phật) (ảnh Chu Lương)
Quần thể ngôi chùa được xây dựng với hàng nghìn bức tranh bằng đá được ghép tỉ mỉ, cẩn thận bởi những người thợ thủ công lành nghề tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam (ảnh Chu Lương)
Đây là lần thứ 3 Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008 đã được tổ chức thành công tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, và năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Quần thể chùa quy mô bậc nhất Đông Nam Á (ảnh Chu Lương)
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc. Đại lễ cũng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.