Chưa đầy 30 tuổi nhưng khả năng cao bị bệnh gút, nếu bạn cứ tiếp tục 3 thói quen "bức tử" cơ thể
- Y học 360
- 02:59 - 05/08/2020
Vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ tăng mạnh cũng là lúc nhiều người thích ăn các món ăn đậm gia vị như thịt nướng, kèm theo đó là một chai bia mát lạnh. Mặc dù cảm giác ăn uống kiểu này rất sảng khoái nhưng lại rất dễ gây ra nhiều bệnh.
Trang Kknews đưa tin, Tiểu Hoa (30 tuổi) ở Trung Quốc liên tục ăn hải sản nướng và uống bia lạnh trong suốt một tuần. Đột nhiên, vào lúc nửa đêm, cô cảm thấy các đốt ngón tay, ngón chân sưng và đau dữ dội. Sau khi nhập viện, cô được chẩn đoán mắc bệnh gút.
3 thủ phạm khiến tỷ lệ mắc bệnh gút tăng cao
Gút là căn bệnh hình thành do sự các tinh thể urat trong các mô cơ thể, thường xảy ra trong hoặc xung quanh khớp, dẫn tới viêm khớp gây ra đau đớn dữ dội. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gút là do sự dư thừa axit uric trong máu. Trong khi đó, axit uric được tạo ra từ quá trình phân hủy purin, được tìm thấy trong một số loại thực phẩm đặc biệt.
1. Uống quá nhiều đồ lạnh
Mùa hè là thời điểm nhiều người thích tiêu thụ các thức uống mát lạnh như bia, nước ngọt đi kèm với thịt nướng. Mặc dù việc ăn uống này rất ngon miệng, nhưng tiêu thụ thường xuyên như vậy sẽ làm tăng gánh nặng trao đổi chất ở thận, từ đó gây ra suy giảm chức năng trao đổi chất của cơ thể, khiến việc bài tiết axit uric ở thận kém đi. Khi hàm lượng axit uric trong cơ thể tăng lên, rất dễ gây ra bệnh gút.
2. Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa hàm lượng purine cao
Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng tăng cao khiến tiêu chuẩn ăn uống cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, có một số thực phẩm đặc biệt chứa hàm lượng purine cao, có thể khiến nồng độ axit uric trong máu tăng như là thịt đỏ, nội tạng động vật, cá có hàm lượng chất béo cao (cá mòi, cá trích), súp lơ, nấm...
Những thực phẩm này nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, bài tiết của thận, làm rối loạn chức năng phân hủy axit uric, gây ra bệnh gút.
3. Thay đổi nhiệt độ đột ngột
Khi nhiệt độ bên ngoài cao, cơ thể đang mất đi một lượng nước bởi mồ hôi, nếu đột ngột chuyển vào môi trường lạnh như điều hòa sẽ dễ khiến cho máu dễ tạo ra các tinh thể kết tủa trong khớp, gây ra bệnh gút. Đây là một trong những lý do khiến ngón chân dễ bị gút nhất, vì nhiệt độ ở ngón chân thấp hơn nhiều vùng khác trên cơ thể. Ngoài ra, bàn tay cũng là nơi có nhiệt độ thấp nhưng lại ít có khả năng bị gút hơn.
Làm thế nào để đối phó với bệnh gút hiệu quả?
Để phòng ngừa bệnh gút, người trẻ nên chủ động phòng tránh thông qua một số cách sau:
1. Ăn uống lành mạnh
Để đối phó với bệnh gút một cách hiệu quả, bạn cần kiểm soát chế độ ăn uống của mình. Trước tiên, hãy giảm lượng thức ăn giàu chất béo và purine cao. Một chế độ ăn lành mạnh, ít muối, ít dầu, ít đường, nhiều trái cây và rau quả tươi sẽ giúp ổn định axit uric của cơ thể. Đặc biệt cần hạn chế tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn.
2. Sử dụng thuốc hợp lý
Một khi được chẩn đoán mắc bệnh gút, bạn không được phép tự ý mua thuốc về uống mà cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu uống thuốc một cách tùy tiện sẽ gây ra những tác dụng phụ khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
3. Uống nhiều nước
Bổ sung cơ thể đầy đủ nước có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh gút tấn công và giảm các cơn đau ở các khớp. Đồng thời, uống nhiều nước cũng sẽ giúp cơ thể bài tiết lượng axit uric dư thừa. Cần lưu ý rằng nên bổ sung nước lọc thay vì các loại thức uống chứa ga hoặc cồn khác.
4. Duy trì cân nặng phù hợp
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ đối với bệnh gút. Vì vậy, việc duy trì cân nặng phù hợp sẽ giúp làm giảm lượng axit uric trong máu, tăng sức chịu đựng của các khớp hơn.
Theo Kknews, Healthline, Everydayhealthy