THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:09

Chưa có nước nghèo nào khởi động chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19

Theo vietnamplus, đến nay, các nước giàu nhất thế giới đã triển khai tiêm hơn 2/3 tổng số liều vắcxin mua được trong vài tuần qua. Ngoài Mỹ và châu Âu - những khu vực đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắcxin đại trà, Israel là một trong những quốc gia được cho là có tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất thế giới.

Chưa có nước nghèo nào khởi động chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Hơn 100 triệu người trên thế giới đã được tiêm phòng vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), các nước như Anh, Mỹ, Israel và các thành viên Liên minh châu Âu sẽ đạt được "mức độ bao phủ vắcxin diện rộng" vào cuối năm 2021. Nhóm các nước phát triển còn lại theo sau sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng vào giữa năm 2022 và tiếp đó là nhóm các nước đang phát triển vào cuối năm đó.

Tuy nhiên, theo EIU, nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vắcxin ngừa COVID-19 cho đến năm 2023. Vấn đề thiếu hụt vắcxin thậm chí sẽ kéo dài trong nửa đầu của thập kỷ này.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, EU đã đầu tư 2,7 tỷ euro (3,3 tỷ USD) để mua 2,3 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 từ các nhà sản xuất phần lớn sử dụng cơ sở tại châu Âu.

Hiện mỗi nước thành viên EU đều triển khai chương trình tiêm chủng riêng, trong đó phần lớn ưu tiên cho người cao tuổi và nhân viên y tế.

Tính trung bình, đến ngày 31/1, EU được phân phối 2,4 liều/100 người dân. Nước có tỷ lệ cao nhất là Malta với 6,08 liều/100 người dân, tiếp theo là: Đan Mạch với 4,47 liều/100 người, Slovenia 3,65 liều/100 người và Romania 3,5 liều/100 người.

Nghiên cứu do Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - tiến hành và công bố ngày 26/1 về kế hoạch triển khai vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu cho thấy, các chương trình tiêm chủng vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 do quy mô dân số của 2 nước này quá lớn, trong khi hơn 85 quốc gia nghèo sẽ không được tiếp cận rộng rãi với vắcxin COVID-19 trước năm 2023.

Theo báo cáo trên, việc cung cấp vắcxin cho các nước nghèo thông qua Cơ chế chia sẻ vắcxin toàn cầu COVAX, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể bị chậm do việc ưu tiên phân phối cho các quốc gia giàu và cơ sở hạ tầng kém ở các nước đang phát triển.

Hầu hết quốc gia ở châu Phi khó có khả năng triển khai tiêm chủng đại trà cho đến đầu năm 2023, trong khi người dân nhiều nước châu Á sẽ được tiếp cận với vắcxin vào cuối năm 2022.

THÀNH NAM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh