THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Chủ trang Facebook đăng tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi có thể bị phạt 20 triệu đồng

 

Thông tin sai sự thật trên trang fanpage “Đầm bầu thời trang Mami” - Ảnh chụp màn hình ngày 4-3

 

Ngày 11-3, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chủ trang Facebook "Đầm bầu thời trang Mami" là bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã đến Cục này để làm việc liên quan đến việc đưa thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Lê Quang Tự Do, tại buổi làm việc, chủ tài khoản trang Facebook nói trên đã thừa nhận và nhận thức rõ về hành vi đưa thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Thời gian tới, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi trên trang Facebook nói trên theo quy định của pháp luật, mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng.

Ngay từ ngày 4-3, trang Facebook "Đầm bầu thời trang Mami" đã gỡ bỏ nội dung bài viết và gửi thông tin đến các đối tác thông báo những nội dung đã đăng tải về dịch tả lợn châu Phi có lây sang người là không đúng sự thật.

Ngoài ra, trang Facebook "Đầm bầu thời trang Mami" cũng đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này về những thông tin liên quan đến dịch tả lợn châu Phi khiến người đọc hoang mang.

Trước đó, ngày 8-3, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý những thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi.

Nội dung công văn nêu rõ, fanpage có tên "Đầm Bầu Thời Trang Mami" đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người. Đây là fanpage chính thức của cửa hàng thời trang Mami và được chia sẻ với hàng trăm tài khoản Facebook khác.

Tuy nhiên, qua xác minh, kiểm tra, những hình ảnh trên fanpage này là "lấy lại từ nhiều báo điện tử; cụ thể đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11-2018"; đồng thời theo các nhà khoa học, dịch tả lợn châu Phi cũng không lây sang người"... 

Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Ngày 11-3, Bộ NN-PTNT tiếp tục có văn bản số 1697/BNN-VP đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương vào cuộc chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ ngày 1-2 đến 10-3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình và Nam Định).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh