CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Chủ tịch UBND TP.HCM: Kiểm soát dịch bệnh nhưng không ‘ngăn sông cấm chợ’

Ngày 7/6, TP.HCM tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố với các ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và ngày 7/6 là ngày thứ 25 liên tiếp Việt Nam có số ca nhiễm 3 con số.

Lũy kế từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 5.562 ca nhiễm, ảnh hưởng đến 39 tỉnh, thành. Trong đó, Thành phố là địa phương có số ca nhiễm đứng thứ tư cả nước và dự báo vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và cộng đồng.

"Về tổng thể, dịch bệnh tại Thành phố vẫn đang trong tầm kiểm soát và đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên do xuất hiện cả biến chủng Ấn Độ và Anh đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Trên tinh thần tổng tiến công toàn lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội toàn Thành phố để chặn đứng, đẩy lùi dịch bệnh", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các ban, ngành và người dân thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân một cách không cần thiết.

"Kiểm soát dịch nhưng 'không ngăn sông cấm chợ', làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh không cần thiết. Không để ùn tắc giao thông do kiểm soát dịch bệnh. Cách ly y tế đúng đối tượng, thực hiện khai báo y tế với tất cả người tham gia vận tải hành khách, hàng hóa…", ông Phong chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Kiểm soát dịch bệnh nhưng không ‘ngăn sông cấm chợ’ - Ảnh 1.

Hiện nay, dịch bệnh tại TP.HCM vẫn đang trong tầm kiểm soát và đang có dấu hiệu chững lại.

Đối với quận Gò Vấp và Phường Thạnh Lộc (quận 12) ngoài các giải pháp nêu trên cần yêu cầu tất cả người dân ở tại nhà toàn thời gian, ngoại trừ các trường hợp được ra khỏi nhà theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thành phố.

Đối với ngành Y tế, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu huy động tổng lực ngành y tế (kể cả y tế tư nhân) tham gia xét nghiệm. Tập trung lấy mẫu và xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, người lao động các Khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố.

Hướng dẫn các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức rà soát cơ sở vật chất trên từng địa bàn để bố trí làm nơi cách ly tập trung với nguyên tắc phải có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống, chủ động và không để thiếu chỗ cách ly theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao BQL các KCX, KCN, khu CNC khẩn trương tham mưu UBND TP kế hoạch tổ chức cho một số doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Kiểm soát dịch bệnh nhưng không ‘ngăn sông cấm chợ’ - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Siết chặt việc giãn cách tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và các biện pháp phòng dịch theo Bộ tiêu chí an toàn tại doanh nghiệp do Thành phố ban hành và 100% nhà máy, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc để hạn chế tập trung đông người. Khi đưa đón người lao động và bố trí ăn trưa phải cố định vị trí để sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị người dân Thành phố khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở,… phải chủ động liên hệ cơ sở y tế để được xét nghiệm tầm soát dịch bệnh, tuyệt đối không chần chừ, do dự. Đồng thời, người dân có bệnh nền như: ung thư, thận mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, tủy sống hoặc sử dụng các loại thuốc khiến hệ miễn dịch yếu đi… cần ở nhà toàn thời gian và chỉ ra ngoài khi phải đến cơ sở y tế.

Ông Nguyễn tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Tại cuộc họp ngày 7/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến nay, có640 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM đã được Bộ Y tế công bố.

Trong đó, 433 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 67,7%), 207 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 32,3%).

- 268 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 41,87%; có 1 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,16% (BN5463)

- Hiện đang điều trị 371 bệnh nhân dương tính mới.

- Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng: 1 từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang và 2 người từ Bệnh viện Đa khoa Khu Vực Long An. Hiện tại, cả ba bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng.


Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, TP.HCM cơ bản đã khoanh vùng, khống chế được dịch. Tuy nhiên, có thể sẽ còn những ca F1 chưa khai báo, có hành vi cố tình che giấu để trốn cách ly tập trung, khi có dấu hiệu thì lẳng lặng đi khám và không khai báo yếu tố dịch tễ một cách trung thực. Do vậy, có những ca rải rác trong cộng đồng, gây khó khăn, vất vả cho ngành y tế.

Dự báo về tình hình những ngày tới, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế sẽ tận dụng cơ hội giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 trong tuần tới để truy vết tất cả ổ dịch.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh