Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không để trì trệ việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp
- Tây Y
- 17:54 - 12/07/2023
Sáng 12/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 24.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong 2 ngày rưỡi, phiên họp thường kỳ tháng 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Về công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là 2 dự án luật đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023.
Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một nội dung rất quan trọng và mang tính cấp bách trong tổng thể Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quản lý nhà nước và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, xem xét cho ý kiến để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 37-NQ/TW; Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”. Nêu rõ đây là vấn đề quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này là cho ý kiến bước đầu và đến phiên họp tháng 8 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát chính thức đối với chuyên đề quan trọng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6.2023; Cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27.9.2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ Năm và cho ý kiến bước đầu về chương trình, nội dung, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV.
Nhân dân lo lắng trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, người lao động mất việc
Sau lễ khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6.2023.
Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6.2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội ổn định… Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Năm, đồng thời khẳng định, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giám sát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến xây dựng pháp luật… Cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1.7.2023, đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay, mang ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn;…
Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Năm, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.711 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ban Dân nguyện kiến nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng. Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp phải chống gian lận, chống sai sót, nhưng cũng không phải vì thế mà trì hoãn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn. Nhấn mạnh đây là vấn đề rất bức xúc được cử tri quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải có hoạt động giám sát hay phiên giải trình về vấn đề này, không để tình trạng trì trệ, loay hoay.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị Báo cáo của Ban Dân nguyện. Báo cáo đã khái quát, tổng hợp về hoạt động dân nguyện của Quốc hội; cung cấp thông tin, đánh giá tình hình triển khai thuộc trách nhiệm của các cơ quan.
Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện trong kỳ báo cáo, báo cáo cũng có những kiến nghị cụ thể thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quá trình hoàn thiện Báo cáo phải được theo dõi, đôn đốc, thống kê tổng hợp nhiều nội dung bảo đảm chất lượng các nội dung để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định, đánh giá xác thực về tình hình.