THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:40

Chủ tịch Quốc hội tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại TP. Hồ Chí Minh

TTXVN đưa tin, Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, sáng 24/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đền Liệt sỹ Bến Dược và Đền tưởng niệm Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan và các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đến dâng hương, dâng hoa tại Đền Liệt sỹ Bến Dược. (Ảnh: VOV).


Tại Đền Liệt sỹ Bến Dược, thành kính dâng vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ," Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Đền tưởng niệm Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, thành kính dâng vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ," Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh, cống hiến to lớn của các lãnh đạo Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định qua các thời kỳ; đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến công lao, xương máu, tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các bậc tiền bối Cách mạng tại Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. (Ảnh: Công an TP.HCM).

Sáng cùng ngày, tại huyện Củ Chi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đã tới thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, sinh năm 1936, ở ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng; thăm gia đình mẹ liệt sỹ Trần Thị Tỏ, sinh năm 1924, ấp Phước An, xã Phước Thạnh và thăm gia đình thương binh nặng 1/4 Phan Văn Đu, sinh năm 1956, ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ.

Theo thông tin trên VOV, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh, mất mát to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, đến thăm và tặng quà cho mẹ Kiều Thị Nông, sinh năm 1936, ở ấp Đồng Lớn, huyện Củ Chi, Chủ tịch Quốc hội đã ân cần hỏi thăm và chia sẻ những mất mát, đau thương của Mẹ trong cuộc chiến giành lại độc lập dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông. (Ảnh: VOV).

 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: "Nhân ngày Thương binh liệt sĩ, chúng con đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ Bến Dược, thăm Đền Gia Định và đến thăm má. Chúng con muốn thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn của các thế hệ con cháu đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng".

Ký ức của ông Phan Văn Đu, ở ấp Bình Thượng 1 vẫn còn nguyên vẹn, khi nhớ lại những ngày sau thống nhất đất nước, xong nghĩa vụ quân sự trong thời chiến, ông Đu lại làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn. Với công việc này, ông Đu đã bị đứt hai bàn tay, mắt bị hỏng.

Chia sẻ với những thương tật để lại trên cơ thể người thương binh nặng ¼, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù là thương binh nặng, nhưng ông đã “Tàn mà không phế”. Ông vẫn tham gia phong trào an ninh bảo vệ Tổ quốc, làm mây tre đan để tăng gia sản xuất phụ giúp gia đình.

"Hôm nay đến thăm anh chị, thấy cuộc sống gia đình hạnh phúc, các cháu trưởng thành, mặc dù là thương binh nhưng anh vẫn tham gia lao động sản xuất làm gương cho các cháu và tham gia các hoạt động xã hội. Anh là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Những đóng góp ấy luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên, tri ân mãi mãi", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và tặng quà cho mẹ Liệt sĩ Trần Thị Tỏ, sinh năm 1924 ở ấp Phước An, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

 

Củ Chi là huyện ngoại thành phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh.Từ những ngày đầu đến lập nghiệp và sinh sống trên đất Củ Chi, người dân nơi đây phải liên tiếp chống chọi với thiên tai; là nạn nhân của chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của các thế lực phong kiến và kẻ thù xâm lược, cho nên người dân nung nấu trong lòng mình tinh thần yêu nước, tình yêu làng xóm quê hương, giàu lòng nhân ái, biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cần cù, sáng tạo và đầy quả cảm.

Tính cách đó đã tạo nên những huyền thoại về những du kích tay không bắt giặc, về sức mạnh thần kỳ của những con người chân đất, dám đối đầu với các thế lực hùng mạnh, đối diện với chiến thuật chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân, tạo thành vành đai thép mà quân thù không thể chọc thủng, không thể hủy diệt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và các lực lượng vũ trang Củ Chi đã có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. 30 năm chiến đấu, biết bao người con kiên trung của Củ Chi đất thép anh hùng đã ngã xuống.

PV (tổng hợp).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh