THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:05

Chủ tịch Quốc hội trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tỉnh Vĩnh Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Tối 28/4, tại quảng trường thành phố Vĩnh Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh (1732 - 2022), 190 năm tên gọi tỉnh Vĩnh Long (1832 - 2022), 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long (1992 - 2022), 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Phấn đấu thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025

Tại Lễ kỷ niệm,  Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, dinh Long Hồ được thành lập năm 1732. Năm 1832, vua Minh Mạng chia vùng đất Nam Kỳ thành 6 tỉnh, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.

Tên gọi Vĩnh Long được hình thành từ đó với tư cách là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1976, Vĩnh Long và Trà Vinh được hợp nhất thành tỉnh Cửu Long. Năm 1991, tỉnh Cửu Long được tách thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đọc diễn văn khai mạc Lễ Kỷ niệm

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đọc diễn văn khai mạc Lễ Kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau gần 300 năm, Long Hồ dinh xưa, Vĩnh Long ngày nay đã trở thành vùng đất rất trù phú, đẹp đẽ, trung tâm thương mại lớn của vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, so với năm 1992, quy mô nền kinh tế đến nay đã tăng gấp 38,5 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng tưởng kinh tế luôn duy trì mức phát triển khá, trung bình gần 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 37 lần.

Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn được duy trì trong nhóm tốt của cả nước.

Đến năm 2021 đã có 61/87 xã và 1/8 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; thực hiện các chính sách an sinh xã hội đi vào chiều sâu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,01%; bộ mặt đô thị và nông thôn nhiều đổi thay, tươi đẹp và văn minh, tạo nên sức sống mới, khí thế mới.

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

1

Với những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Vĩnh Long đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng,danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 2 lần được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng những thành tựu to lớn mà tỉnh Vĩnh Long đã đạt được trong những năm qua - đây là nền tảng quan trọng để tỉnh có thể phấn đấu trở thành Tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.

Đoàn kết, thống nhất là một trong những nguồn lực quan trọng nhất 

Biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về Lễ kỷ niệm, theo Chủ tịch Quốc hội, qua đó giới thiệu, tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp, khơi dậy lòng tự hào của người dân đối với truyền thống, lịch sử và cách mạng của quê hương, tạo sức mạnh, quyết tâm mới để xây dựng Tỉnh ngày càng phát triển.

Ông Vương Đình Huệ mong muốn tỉnh Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

3

Để làm được điều đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh; Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để Tỉnh có thể phát triển nhanh và bền vững…

Đặc biệt, cần khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Chú trọng gắn kết việc hình thành và phát triển hành lang kinh tế, công nghiệp và đô thị Cần Thơ – Mỹ Thuận – Long An - Vĩnh Long và hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Hậu.

Thứ hai, trong tình hình mới, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19, Tỉnh cần tiếp tục thực hiện giải pháp thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho Nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

4

Phát huy tối đa lợi thế là Tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; Đa dạng hóa và huy động tốt hơn các nguồn lực, nhất là nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và liên kết vùng, thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;

Quyết liệt nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, cơ cấu lại, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, manh mún, gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Thứ ba, cùng với phát triển kinh tế, phải chú trọng lĩnh vực văn hóa, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, bởi “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” - như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân…

Kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhất là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt… để nơi đây vừa là những “địa chỉ đỏ”, vừa là trung tâm văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của tỉnh và khu vực; điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan, nghiên cứu của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.

Thứ tư, tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của Nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu...

Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp tục có những bước phát triển đột phá để sớm trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trong khu vực vào năm 2025; xứng đáng với tên gọi Vĩnh Long hàm chứa ý nghĩa và kỳ vọng "mãi mãi giàu mạnh, mãi mãi thịnh vượng và phát triển". 

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng tỉnh Vĩnh Long. 

Trước đó, chiều cùng ngày, tại Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Liên (phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long). 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh