CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:10

Chủ tịch Quốc hội: Quản lý dịch vụ OTT viễn thông, không phải cái gì cũng lôi hết vào luật, "trói tay, trói chân"

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, sáng 10/6 Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi (Dự thảo).

Nội dung mới đáng chú ý ở lần sửa đổi này là quy định về quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông). Cụ thể, Chính phủ đề xuất đưa vào Dự thảo quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet.

Đây là "cuộc chơi" các nước soi kỹ lắm

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện vẫn còn các quan điểm khác nhau về những quy định này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng các dịch vụ nói trên không phải dịch vụ viễn thông, hoạt động viễn thông nên không cần đưa vào luật.

Còn quan điểm thứ hai, theo cơ quan soạn thảo, các dịch vụ này đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, quyền lợi của cá nhân, tổ chức nên việc đưa vào luật quy định là cần thiết. "Cơ quan soạn thảo đi theo quan điểm này", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Quan điểm thứ ba, theo Chủ tịch Quốc hội, là đồng ý đưa vào luật nhưng không phải tất cả mà chỉ mức độ thôi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT ngày càng phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đời sống xã hội, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. 

Trong dự án luật thuyết minh một số nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc xây dựng luật này với tính chất là các dịch vụ viễn thông. Cho nên, bổ sung là cần thiết, để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Đây là quan điểm của cơ quan soạn thảo.

Ý kiến khác đề nghị cân nhắc đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo luật ở mức độ phù hợp, đảm bảo khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. 

Loại ý kiến này cũng đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để quy định cụ thể hơn việc kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT về cấp độ và điều kiện quản lý. 

“Cá nhân tôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng này. Quy định nhưng không phải cái gì cũng lôi hết vào luật, trói tay, trói chân, cuối cùng lại để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phản ứng”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, quy định không phù phù hợp sẽ rất phức tạp khi tổ chức triển khai.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, bộ nào được giao chủ trì xây dựng luật thì thường “tư duy của bộ ấy là chính”, nhưng yêu cầu là phải có cái nhìn toàn diện. “Tôi không đánh giá chuyện lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm bộ, ngành, nhưng chúng ta tư duy thường tư duy kỹ thuật, quản lý của bộ là chính. Trách nhiệm xây dựng pháp luật thì phải nhìn vấn đề rộng hơn”.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải quay trở lại xuất phát là gì, luật này đã đảm bảo quan điểm, yêu cầu lớn khi xây dựng chưa. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đôi khi những việc rất nhỏ nhưng đưa ra lại “pha loãng” hết vấn đề lớn, quan điểm lớn lại không coi trọng. 

“Đừng nghĩ luật mang tính kỹ thuật như thế này không có tác động lớn, đây là cuộc chơi các nước soi kỹ lắm”, ông Vương Đình Huệ nói rõ, điều quan quan trọng khi xây dựng luật là đi đúng quan điểm lớn, sau này thiết kế về kỹ thuật sẽ “không khó lắm”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cả các vấn đề như quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được bảo đảm an toàn viễn thông cả bên cung cấp lẫn bên sử dụng dịch vụ; vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông…

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu các quy định tại luật phải đảm bảo việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế. “Mình đã cam kết rồi không thể không làm được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, và nhìn tổng thể, ông nhận xét "dường như lần sửa đổi này vẫn nặng vào việc điều chỉnh kinh doanh viễn thông như luật 2009 thôi".

Các quy định phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, lường trước các tác động

Ông Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cả các vấn đề như quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được bảo đảm an toàn viễn thông cả bên cung cấp lẫn bên sử dụng dịch vụ; vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông…

Nhấn mạnh yêu cầu các quy định tại luật phải đảm bảo việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Mình đã cam kết rồi không thể không làm được". Ông đề nghị, các quy định trong luật phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, lường trước các tác động.

Sau đó, ông dẫn chứng ngay Luật Giá sửa đổi Quốc hội sắp tới sẽ bấm nút, "cứ im im thế thôi", nhưng bây giờ cả doanh nghiệp trong nước, ngoài nước gửi tới tấp các kiến nghị về cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn vì sao lại đưa sữa cho người già vào danh mục mặt hàng bình ổn giá, trong khi đó trước đây chưa có, bây giờ đánh giá tác động thế nào, rất phức tạp.

"Thế rồi, thịt lợn bình ổn giá thì thịt heo có bình ổn không? Người ta chơi chữ người ta nói thế. Rồi thịt gà có bình ổn giá không?", Chủ tịch Quốc hội nói, và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần tới sẽ phải họp liên tục để cho ý kiến về các dự án luật, nghị quyết mà Quốc hội sẽ bấm nút thông qua trong đợt họp thứ 2 của kỳ họp này.

Ông chia sẻ, "tối qua, tôi lại nhận được một ý kiến về giá trần, giá sàn của vé máy bay. Chúng ta phải lắng nghe rất kỹ lưỡng, thuyết phục và giải thích đầy đủ".

Theo nghị trình, ngày 22/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi), sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới

 

Ở góc độ cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới về vấn đề này, nhất là các nước trong khu vực, phân tích, làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Cơ quan soạn thảo cần báo cáo rõ với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian tới (như công nghệ thông tin, viễn thông, bưu chính, công nghiệp công nghệ số...) để phát huy tác dụng cộng hưởng. Điều này để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Riêng về dịch vụ OTT, cơ quan thẩm tra thấy về bản chất là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp các phần mềm ứng dụng (như Zalo, Viber, Telegram…). Kinh nghiệm quốc tế, các dịch vụ OTT có thể được chia thành 2 loại chính, gồm: dịch vụ OTT viễn thông; dịch vụ OTT cung cấp nội dung thông tin.

Người dùng dịch vụ có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mà không cần phải có sự đồng ý của nhà cung cấp dịch vụ và không mất bất kỳ chi phí nào. OTT có chức năng hội thoại (telephone or voice over internet), họp trực tuyến (video conference), trao đổi trực tuyến (chat), tin nhắn (messaging)… và không thu phí.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành chưa quy định, dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập… “Dịch vụ OTT viễn thông cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu.

Một số ý kiến khác thì băn khoăn về cách thức cung cấp dịch vụ như quy định của dự thảo luật bởi quản lý cung cấp dịch vụ OTT vẫn là chủ đề còn gây tranh cãi ở nhiều quốc gia.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh