THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:57

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động

Giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết, hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm

Đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động, đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao ộng đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm. Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.

Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động Quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quỹ, song dự án Luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do là Hội đồng quản lý Quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi Quỹ Bảo hiểm xã hội cho Công ty ALC II vay hàng nghìn tỷ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán. Trong khu vực cũng có những nước dùng tạm ứng quỹ cho vay đầu tư xây dựng cơ bản bị kỷ luật rất cao.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng hiện nay là 3 bên vì thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra, có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa, nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.

Kiến nghị khôi phục lại khái niệm chậm đóng BHXH

Tại  Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung như: giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội; vấn đề nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội...

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh bày tỏ đồng tình cao với nội dung dự thảo, ông Phan Văn Anh cho rằng quan điểm chung khi sửa Luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, ông đề nghị lưu ý đề xuất của tổ chức Công đoàn khi sửa dự luật này, để người lao động không cảm thấy mình chịu thiệt thòi sau nhiều lần thay đổi chính sách. Chẳng hạn như, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng mức tối đa là 75%. Bên cạnh đó, cần thận trọng xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội như bảo hiểm xã hội một lần, cách tính cũng như mức hưởng, thời gian hưởng chế độ với người lao động chưa đủ tuổi hưu trí.

Phân tích cụ thể, ông Phan Văn Anh cho biết Điều 71 dự thảo Luật sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm.Qua khảo sát cho thấy việc này tạo điều kiện người lao động hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên. Điều này phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và được người lao động đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, ông lưu ý chúng ta khuyến khích người lao động từ 45 tuổi trở lên tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nhưng do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng hưởng nên người lao động rất băn khoăn.Người lao động đóng 15 năm, mức lương được hưởng chỉ khoảng 33,75%. Cần xem xét chia sẻ để hỗ trợ với những người khi nghỉ hưu có thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Đại diện cho phía các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đồng thuận với quan điểm của Chính phủ, Quốc hội về việc có giải pháp xử lý nghiêm việc doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần khôi phục, quy định lại việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Bởi vì việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, dịch bệnh...

Theo ông Phạm Tấn Công, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần quy định thời hạn được nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như thế nào. Điều này cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện sắp xếp hoạt động kinh doanh để có thể đóng đủ bảo hiểm xã hội cho lao động. Nếu doanh nghiệp không thực hiện theo đúng thời gian theo quy định thì trong Luật cũng cần đưa ra chế tài xử lý rõ ràng.

C.Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh