THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:03

"Cấp chứng chỉ hành nghề dược bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm"

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.


Đề cập đến thời hạn cấp chứng chỉ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, dược cũng là một nghề như bác sĩ, kỹ sư chứ không phải một chức vụ có thời hạn. Nếu đưa quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm một lần chỉ phát sinh thủ tục hành chính mà thực chất là phát sinh tiêu cực. Trong bối cảnh xã hội đang phát sinh tiêu cực, tham nhũng, ông Hiện đề nghị cần phải cắt bớt thủ tục hành chính để ngăn ngừa, do đó chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu, bằng của kỹ sư, bác sĩ là suốt đời, vậy sao phải cấp chứng chỉ hành nghề dược nửa chừng? Do đó chứng chỉ hành nghề dược cũng nên như các ngành nghề khác, kèm theo đó phải có định mức tiêu chuẩn, kiểm tra chặt chẽ. Theo Chủ tịch Quốc hội, mọi người có quyền tự do kinh doanh những mặt hàng không cấm. Đối với mặt hàng thuốc càng hoan nghênh, chỉ cấm bán, cấm sản xuất thuốc giả thôi.

“Khi hành nghề phải đảm bảo tiêu chí gì thì phải quy định vào trong luật. Chỉ nên cấp chứng chỉ một lần thôi. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm. Vì sao? Vì phải có tiền người ta mới cấp, nên phải giảm tối đa thủ tục hành chính”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Luật Dược không nói đến sản xuất thuốc là không được vì Việt Nam luôn phải nhập khẩu nên giá thuốc luôn cao. Quá trình sản xuất, kinh doanh, buôn bán rồi sản phẩm thuốc đến tay người tiêu dùng, các công đoạn đó nên đưa vào luật.

“Bộ Y tế không phải Bộ Công nghiệp, không phải Bộ làm ra thuốc, không phải đơn vị sản xuất ra thiết bị y tế, nhưng Bộ Y tế là đơn vị chăm sóc sức khỏe con người, có trách nhiệm quản lý chung nên phải quan tâm, có trách nhiệm trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội lý giải, đồng thời cho rằng, nếu Bộ Y tế lại gắn với sản xuất thiết bị y tế, máy móc thì rất gay, nên phải phân công, không đưa trách nhiệm quá nhiều vào Bộ Y tế. Nếu Bộ Y tế chịu trận hết thì làm sao gánh nổi?

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, sau khi có luật này, mặt hàng thuốc phải được sản xuất tốt, phải có nguyên liệu làm thuốc, khắc phục được tình trạng chết trên đống thuốc. “Người Việt Nam thuộc đẳng cấp cao, không phải thấp, nên thuốc tốt nhất người Việt Nam có quyền được dùng chứ không phải hái lá về chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Ban soạn thảo cung cấp thông tin hiện chúng ta cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn thì đang vướng mắc khó khăn là gì? Cấp 5 năm một lần có thể có tiêu cực, thủ tục hành chính phiền hà, nhưng cấp có thời hạn thì thuận lợi ra sao? Thông lệ quốc tế như thế nào về việc này?

Theo ông Uông Chu Lưu, hiện nguồn dược liệu chủ yếu đang phải nhập khẩu, nếu lại để Chính phủ quy định chính sách nhập khẩu dược liệu sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế cần phải quy định điều này ngay vào trong luật, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn phải chờ nghị định.

Để đảm bảo yếu tố cạnh tranh, ông Uông Chu Lưu cũng đề nghị chính sách chào giá thuốc, ngoài yếu tố số lượng, chất lượng sản phẩm cần phải đề cập đến giá thành, tránh tình trạng người tiêu dùng phải dùng thuốc với giá quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện ban thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, xu hướng các nước là cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm một lần. Còn ở Việt Nam, nếu cũng quy định 5 năm thì nhiêu khê quá, chính vì vậy mới phải đưa ra cả hai phương án trình ra Quốc hội cho ý kiến.

Theo DŨNG NGUYỄN / tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh