Chủ tịch Quốc hội: Gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, có tính đến chính sách cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở xã hội
- Tây Y
- 16:48 - 17/11/2021
Sáng nay 17/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Hải An sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Cử tri quận Hải An bày tỏ đánh giá rất cao và đồng tình với những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp, đặc biệt là quyết sách về kinh tế, xã hội, phòng, chống dịch.
Nghị quyết về cơ chế đặc thù, động lực cho Hải Phòng đột phá
Cử tri quận Hải An cũng đánh giá, năm 2021, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn thách thức, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp đã cơ bản ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Nhiều chủ trương, chính sách đúng và trúng cho từng vùng miền, khu vực, địa phương đã tạo ra nhiều động lực mới cho sự phát triển của đất nước, trong đó Hải Phòng là một minh chứng sinh động.
Các cử tri Quận Hải An đánh giá cao việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương, trong đó có thành phố Hải Phòng.
"Nghị quyết có ý nghĩa to lớn tạo động lực, nguồn lực để Hải Phòng phát triển đột phá, xứng đáng là trọng điểm trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc, vì Hải Phòng và vì cả nước", Cử tri Phạm Thành Văn cho biết.
Trong những năm vừa qua, Hải Phòng đã phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc; khẳng định vị thể là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính kết nối các tỉnh phía Bắc với thể giới qua hệ thống cảng biển hiện đại.
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến 2025 xây dựng Hải Phòng là trung tâm logistic quốc gia và đến 2030 trở thành Trung tâm logistics quốc tế hiện đại về cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp logistics, cử tri Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An nêu, nhằm phát huy được hết hiệu quả của các hiệp định thương mại, thu hút được thêm các nhà đầu tư vào các tỉnh, thành phía Bắc kinh doanh, sản xuất xuất khẩu đi các thị trường này" thì việc có 1 khu bến cảng đủ lớn để tiếp nhận các tuyến vận tải tàu biển cỡ siêu lớn là vô cùng quan trọng và cấp bách", ông Dũng nói.
Ngoài ra, tại cuộc tiếp xúc, cử tri quận Hải An cũng nêu một số kiến nghị về an sinh xã hội, y tế cơ sở, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa, sửa đổi Luật Di sản…
Tạo ra nhiều động lực mới
Cảm ơn cử tri quận Hải An đã có nhiều ý kiến rất sâu, rộng, phong phú đóng góp và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
“Quốc hội cố gắng rút ngắn thời gian làm việc nhưng mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng và hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhất trí với kiến nghị của cử tri, đối với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần thiết phải điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt theo yêu cầu của Trung ương là “liều lượng phải hợp lý, thời điểm phù hợp trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát”.
Để tính toán được vấn đề này là rất khó. Do đó, từ khi khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã làm việc với Chính phủ về vấn đề này.
Ông Vương Đình Huệ thông tin, hiện nay, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cũng đang tập trung chuẩn bị cho việc tổ chức thêm một Kỳ họp nữa vào cuối năm nay để xem xét, quyết định ngay giải pháp tổng thể về tài chính và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…
Về cơ chế đặc thù của thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hải Phòng được Bộ Chính trị ra hai Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết 32 năm 2015 và Nghị quyết 45 năm 2019.
Tuy nhiên, từ Nghị quyết 32 đến Nghị quyết 45 là sự thay đổi rất lớn về tư duy, mục tiêu phát triển, đặt Hải Phòng trong vị thế và tầm vóc khác: không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho cả khu vực và cả nước, sớm hiện đại hóa, công nghiệp hóa thành phố Hải Phòng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Do đó, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (cùng với 3 địa phương khác là Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế - PV) để Hải Phòng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, đồng thời, cũng tạo tiền đề để tổng kết, nghiên cứu, áp dụng cho các địa phương khác.
Riêng đối với đề xuất thành lập khu thương mại tự do, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua và đã đề nghị Chính phủ, Thành phố Hải Phòng nghiên cứu, hoàn thiện, làm rõ hơn các nội dung về cơ chế, chính sách cụ thể để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội trong thời gian tới.
Tăng cường các thiết chế cho công nhân, người lao động
Đồng tình với các kiến nghị của cử tri liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần đầu tiên tại Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Hai cũng đã đề cập rất kỹ, rất sâu về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, đối với hộ nghèo, Quốc hội đã thống nhất: những hộ có hoàn cảnh rất đặc biệt như người khuyết tật, người già neo đơn… không thể hỗ trợ thoát nghèo được thì chuyển toàn bộ sang bảo trợ xã hội và nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ lên cao hơn so với hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí kiến nghị của cử tri về tăng cường các thiết chế cho công nhân và người lao động bởi đây là vấn đề quan trọng nổi lên qua đợt dịch Covid - 19 vừa qua, hàng triệu người lao động đã rời TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê.
Trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tính đến chính sách hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế cho người lao động, có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cho vay tái cấp vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những bài học phải “nằm lòng” là gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi nếu công nghiệp hóa đi nhanh hơn đô thị hóa thì sẽ có tình trạng không có thiết chế văn hóa, không có thiết chế nhà ở xã hội cho người lao động.
Nhưng nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa thì sẽ xuất hiện tình trạng biệt thự, nhà ở, khu chung cư bỏ không…
Hải Phòng còn là trung tâm lao động, công nghiệp của khu vực. Do đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Hải Phòng có thể có đề án riêng về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để đề xuất với Trung ương, Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây.
Đồng thời đề nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tiếp thu những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ kiến nghị để Chính phủ giải quyết.