Chủ tịch Quốc hội: “Chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt đẹp và trọn vẹn cuộc bầu cử”
- Tây Y
- 04:16 - 28/05/2021
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 56 của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 27/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo sơ bộ này của Hội đồng bầu cử quốc gia. Trong báo cáo nổi bật rằng, cuộc bầu cử lần này được tiến hành trong hoàn cảnh rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử. Đó là hoàn cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 với nhiều chủng mới mạnh, nguy hiểm lây lan nhanh hơn trong khoảng 30 tỉnh/ Thành phố của cả nước, trong đó có một số tỉnh ảnh hưởng nặng nề như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng….
Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, theo Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị, sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của Hội đồng bầu cử quốc gia, các cấp Ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Ủy ban bầu cử các cấp ở địa phương, sự đồng hành và hưởng ứng của người dân, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt đẹp và trọn vẹn cuộc bầu cử năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, tuyệt đối an toàn, thực sự là ngày hội của toàn dân. Trong điều kiện dịch bệnh như vậy, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,57%; địa phương có tỷ lệ bầu cử thấp nhất cũng trên 98% và đảm bảo bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, qua đợt bầu cử lần này, rút ra nhiều bài học không chỉ áp dụng trong hoàn cảnh có dịch bệnh mà có thể áp dụng trong điều kiện bình thường khác, đó là hình thức vận động bầu cử kết hợp trực tuyến và trực tiếp; phân luồng cử tri đi bầu theo khung giờ; vấn đề truyền thông được thực hiện tốt và bảo đảm an toàn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Hội đồng bầu cử quốc gia hoàn thành sớm báo cáo nhanh để gửi cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, thành viên Hội đồng bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, đảm bảo sự khẩn trương để sớm hướng dẫn một số đơn vị cá biệt vẫn còn bầu thiếu đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời, đảm bảo quy định của pháp luật là sau 05 ngày kể từ ngày bầu cử, các địa phương, các Tiểu ban đều có báo cáo chính thức để hoàn thành báo cáo tổng thể, làm nốt những công việc còn lại trong quá trình bầu cử, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và Kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 một cách tốt nhất.
Đối với các báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo tài chính nhà nước năm 2019; báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, theo Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo này so với quy định là chậm tiến độ nhưng đến hôm nay cũng đã được cho ý kiến tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị công phu, trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời, đánh giá cao các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách.
Trên cơ sở những ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị hữu quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hoàn thiện thêm một bước nữa nội dung của các báo cáo. Nếu có vấn đề cần làm rõ thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi hoàn thiện chính thức để báo cáo với Quốc hội.
Trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ. Thẩm tra sơ bộ Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình THTK,CLP được triển khai chủ động, kịp thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác THTK,CLP. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Công tác THTK,CLP trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng chỉ ra công tác THTK,CLP năm 2020 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTK,CLP. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn có biểu hiện lãng phí. Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài nguyên còn tồn tại. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Công tác THTK,CLP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân và một số lĩnh vực khác còn một số tồn tại, bất cập…