THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:32

Chủ tịch Quốc hội: Cần Thơ phải chú ý bài học môi trường từ vụ Formosa

 

Ngày 6/8, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ tịch Quôc hội nhấn mạnh, Cần Thơ phải xây dựng chuỗi liên kết vùng; phát triển thành phố công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Cần Thơ phát triển thành phố công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường


Theo Nghị quyết số 45 ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2020, trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Theo mục tiêu này, Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Trong 10 năm qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Cần Thơ được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, dịch vụ và quản lí kinh tế xã hội. Sự chuyển đổi này đã làm thay đổi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ thủ công sang sử dụng phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại.

Nhờ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay nền kinh tế Cần Thơ có bước phát triển vượt bậc, GDP bình quân đầu người được nâng lên từ 12,4 triệu đồng/người/năm năm 2005 lên 79,4 triệu đồng/người/năm năm 2015. Thu ngân sách nhà nước đạt 54.552 tỷ đồng, Cần Thơ là một trong 13 đơn vị cấp tỉnh trong cả nước và là đơn vị duy  nhất trong 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện điều tiết ngân sách về Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được này, Phó Bí thư thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hữu cũng đã thẳng thắn chỉ ra 8 vấn đề còn khó khăn, hạn chế, đó là: chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn lực chưa tương xứng với đô thị loại I; các hoạt động công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, văn nghệ, thông tin, truyền thông còn bất cập; quản lí nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường...

Thành phố Cần Thơ cũng đã đề xuất Trung ương 7 vấn đề trong đó có đề nghị: Trung ương có chủ trương cho thành phố được chủ động thực hiện các chính sách ưu đãi hơn để kêu gọi đầu tư bằng cách giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đối với các doanh nghiệp, sử dụng 100% nguồn thu thuế xuất nhập khẩu vượt thu; chấp thuận chủ trương cho thành phố sử dụng 100% phần thu vượt chi chỉ tiêu Trung ương giao để triển khai các dự án; Đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên thực hiện các dự án do Trung ương quản lí có tính kết nối liên vùng qua địa bàn thành phố...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các Ban Đảng, Văn phòng Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chuẩn bị thêm nội dung để chuẩn bị cho kỳ họp của Bộ Chính trị sắp tới.

Về kết cấu, đây là báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị nên cần thể hiện khác với kết cấu về báo cáo kinh tế xã hội hằng năm hay báo cáo nhiệm kỳ. Vì thế kết cấu của báo cáo phải bám sát nội dung Nghị quyết 45. Theo đó phải thể hiện kết quả thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã xác định.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư kết hợp hài hòa 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường. Bài học về môi trường gần đây là nhà máy giấy Hậu Giang, ở miền Trung là Fomosa và vừa phát hiện ở Đồng Nai về chất thải rắn cũng của Formosa. Chưa bao giờ dự luận xã hội quan tâm đến môi trường như vậy. Điều đó bắt buộc chúng ta phải phải nhìn nhận lại chủ trương kêu gọi đầu tư và cái giá phải trả trong mời gọi đầu tư mà không gắn với bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về vấn đề này”.

Từ những bài học ấy, Cần Thơ phát triển thành phố công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Cần Thơ cũng đã chỉ ra những những mặt còn hạn chế cần khắc phục, một trong những hạn chế đó là nguồn nhân lực.

“Mục tiêu đã xác định, trường Đại học Cần Thơ phải là trường trọng điểm, nhưng chúng ta chưa đầu tư để thành trọng điểm. Mục tiêu đã xác định để Cần Thơ thành trọng điểm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực này nhưng vẫn chưa đạt được bởi vì chưa đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng nói rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan chưa đạt được, trách nhiệm của các bộ, ngành như thế nào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với cử tri huyện Phong Điền. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Trong thời gian tới, Cần Thơ cần phải rà soát, điều chỉnh lại theo đúng quy hoạch chung của đồng bằng sông Cửu Long. Về cơ chế đặc thù cho Cần Thơ và kế hoạch đầu tư trung hạn để trở thành trung tâm vùng, cần phải xây dựng cảng, đặc biệt hệ thống đường cao tốc. Những việc này, không chỉ thực hiện cho riêng Cần Thơ mà cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những bất cập, khó khăn, bài học kinh nghiệm việc thực hiện thành công hay không thành công khi thực hiện Nghị quyết 45, nhất là hạn chế của Cần Thơ sẽ là bài học quan trọng để Bộ chính trị sẽ đưa ra những định hướng cần thiết trong thời gian sắp tới.

** Cũng trong chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Gửi lời chào trân trọng tới các thầy cô giáo nhà trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng về đội ngũ cán bộ quản lý, cơ sở vật chất nhà trường đã được đầu tư khang trang, hiện đại, đặc biệt kể từ khi nhà trường được nâng cấp từ cao đẳng lên đại học trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2013 đến nay trường đã đạt được những thành tích đáng trân trọng; là địa chỉ tin cậy trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng là giáo viên dạy nghề và cán bộ kỹ thuật cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Nhấn mạnh Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là 1 trong 5 trường đào tạo giáo viên dạy nghề của cả nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi đa số sinh viên tốt nghiệp của trường đã đáp ứng được nhu cầu xã hội, thuận lợi trong tìm kiếm việc làm và khẳng định được năng lực nghề nghiệp của mình. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, từ những kết quả đã đạt được, nhà trường sẽ là địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo các thế hệ giáo viên dạy nghề.

Về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhà trường tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp phần xứng đáng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng; trong đó có tăng quy mô chất lượng đào tạo, mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường trong và ngoài nước; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh