CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Chủ tịch nước: 'Xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa'

 

Nói với cử tri quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) tại buổi tiếp xúc sáng 1/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở biển miền Trung "là thảm họa hết sức nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài". Sau khi xác định được nguyên nhân, Formosa đã thừa nhận trách nhiệm, cam kết đền bù thiệt hại và khắc phục, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.

"Chúng ta yêu cầu Formosa phải thực hiện nghiêm túc những điều đã cam kết nhưng không phải vì thế mà không xem xét trách nhiệm, nếu như họ tiếp tục để xảy ra những sai phạm khác. Vừa rồi, lại phát hiện họ chôn chất thải ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), rồi Đồng Nai nữa. Những hành vi này cũng sẽ được thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm", Chủ tịch nước khẳng định.

Người đứng đầu nhà nước cũng cho biết, đối với các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có liên quan đến việc gây ra sự cố Formosa sẽ bị đưa ra xử lý nghiêm theo quy định và việc này đang được tiến hành.

"Cụ thể là ai thì chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Tất nhiên là đã có chỉ đạo kiểm điểm rồi, kể cả địa phương lẫn bộ ngành đều phải xem xét trên tinh thần bất kể ai, bất kể tổ chức, cá nhân nào có liên quan đều bị xử lý", Chủ tịch nước khẳng định.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ cử tri sáng nay

 

Trước đó, nhiều cử tri đã bày tỏ quan tâm đối với sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do công ty Formosa gây ra. "Dư luận cực kỳ bức xúc, thiệt hại của dân cực kỳ nhiều, nhưng bồi thường chỉ có nửa tỷ USD tôi cho là quá thấp. Tất cả những dự án thế này do ai duyệt, ai thông qua, cần phải làm rõ trách nhiệm", ông Nguyễn Đăng Cường ở phường Tân Định nêu vấn đề.

Còn ông Nguyễn Minh Hoan băn khoăn về việc nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã khẳng định "cấp phép cho Formosa 70 năm là đúng". "Theo tôi, nếu ông Cự nói đúng thì phải sửa Luật đầu tư, chỉ cho phép dự án nước ngoài tối đa 50 năm thôi. Còn nếu ông Cự làm sai luật thì sẽ xử lý như thế nào?", ông Hoan nói.

Trong khi đó, để tránh những sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra, cử tri Đặng Thanh Bình đề nghị sắp tới không cho phép xây dựng các khu công nghiệp ven sông do rất khó kiểm soát nếu doanh nghiệp lén xả thải. "Nhà máy Vedan giết chết sông Thị Vải trước đây là sự việc rất nghiêm trọng đã từng xảy ra rồi", ông Bình dẫn chứng.

Ngoài ra, các cử tri cũng bày tỏ lo lắng đối với việc hệ thống thông tin ởsân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vừa bị hacker tấn công. "Quốc hội phải lưu ý Bộ Công an tăng cường bảo vệ hệ thống thông tin để bảo vệ người dân, tránh để xảy ra những trường hợp nghiêm trọng hơn", bà Nguyễn Thị Lệ nói.

Cử tri Lương Minh Nguyệt cũng đề nghị tăng cường quản lý an ninh mạng, vì tình trạng người dân bị bán thông tin cá nhân đang xảy ra rất phổ biến. "Vừa qua, tin tặc đã tấn công hệ thống thông tin ở sân bay nữa nên việc bảo vệ an toàn thông tin là vô cùng cần thiết".


Chủ tịch nước khẳng định bất kể ai, tổ chức nào liên quan đến việc gây ra sự cố Formosa đều sẽ bị xử lý nghiêm

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, sự phát triển của Internet "khiến chúng ta không thể lãnh đạo theo kiểu cũ nữa mà phải hội nhập, tận dụng công nghệ vào phát triển đất nước". Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ những mặt trái của nó. Chiến tranh mạng là hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường.

"Ngồi ở đông bán cầu, chỉ cần di chuột thôi cũng có thể làm cho tây bán cầu rung chuyển. Tin tặc, tội phạm mạng gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp, tổ chức", ông nói.

"Các chuyên gia mạng khẳng định, Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng nhưng ý thức phòng ngừa của chúng ta chưa đầy đủ. Hiện, việc bảo đảm an ninh không chỉ trong phạm vi vùng trời, vùng biển, vùng đất mà còn là không gian mạng. Vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước đặt lên bàn và đang chỉ đạo xây dựng chiến lược an ninh", Chủ tịch nước cho biết thêm.



theo vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh