THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:13

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dự APEC 2023 tại Hoa Kỳ

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 – 17/11/2023.

Được biết, tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời.

Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO summit) và tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế.

Chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC diễn ra tại Mỹ (1993 - 2023) và đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC (1998).

Với chủ đề "Kiến tạo tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người", năm APEC 2023 tập trung vào ba ưu tiên:

Thứ nhất là kết nối: xây dựng một khu vực tự cường và kết nối, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện.

Thứ hai là đổi mới sáng tạo: thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững.

Thứ ba là bao trùm: củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.

Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương.

Trên bình diện song phương, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, trong đó có các hợp đồng thương mại với tổng giá trị lên đến trên 10 tỷ USD.

Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Mỗi năm, một nền kinh tế chủ nhà khác nhau được lựa chọn trên cơ sở luân phiên để tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm, các cuộc họp cấp bộ trưởng và các cuộc họp nhóm công tác.

Có thể nói, các hoạt động song phương của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Mỹ nhằm triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden; và thúc đẩy sự hỗ trợ của Mỹ về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, giữa hai nước cũng như giao lưu nhân dân.

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh