Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự nhiều sự kiện quan trọng tại Thanh Hóa
- Tây Y
- 11:54 - 29/08/2022
Tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Từ giữa tháng 10/1954 đến tháng 5/1955, tại xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra Bắc như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”.
Suốt 68 năm qua, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ngày ấy, đã tham gia và có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc, thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Sau một thời gian chuẩn bị, dự án Khu lưu niệm được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 3428 ngày 14-10-2014; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2207 ngày 17/6/2015 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 322 ngày 21/9/2020 của HĐND tỉnh Thanh Hóa. UBND TP Sầm Sơn được giao làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 254 tỷ 925 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ 500 triệu đồng, vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động khác là 178 tỷ 500 triệu đồng). Trong đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; phần kinh phí xây dựng toàn bộ tượng đài do Hội cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc huy động từ các nguồn xã hội hóa.
Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc bao gồm 2 khu: Khu A có diện tích 13.580 m2 (gồm Tượng đài con tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu; phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ); Khu B có diện tích 1.985 m2 (gồm 3 lán trại, giếng nước, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ, mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam). Bên cạnh đó còn có “Con đường ký ức” dài 1,1 km; tuyến nhánh đại lộ Nam sông Mã đến khu B với chiều dài 665 m; Công viên chuyên đề diện tích 23.865 m2. Theo dự kiến, thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là 270 ngày.
Đối với TP Sầm Sơn, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, ngày 23/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 636/QĐ-TTg về công nhận TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số huyện, số xã đạt chuẩn NTM.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả đáng ghi nhận mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong những năm qua.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Vùng đất, con người xứ Thanh luôn tự tin, năng động để hoà nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, doanh nghiệp. Nông thôn chuyển biến rõ rệt, khang trang, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mới được triển khai, nhưng đạt được nhiều kết quả tích cực, phát triển mạnh mẽ. Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh; dân chủ được phát huy theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Với vai trò, vị thế quan trọng, Thanh Hóa được Đảng, Chính phủ tin tưởng chọn là điểm tập kết của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết. Do đó, đối với Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc xây dựng Khu lưu niệm phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá trị văn hóa; đồng thời, bảo đảm tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong năm 2024. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc học sinh miền Nam trong toàn quốc và các gia đình cựu cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam, tiến hành vận động, sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật thể hiện tình cảm Bắc - Nam ruột thịt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như tái hiện được hình ảnh những chuyến tàu đưa hơn 15 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Chủ tịch nước mong muốn sau khi hoàn thành, Khu lưu niệm sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường...
Tại huyện Nông Cống, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tham dự dự Lễ khởi công xây dựng dự án đường Vạn Thiện đi Bến En tại tại thôn Làng Mật, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống.
Theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án xây dựng đường Vạn Thiện đi Bến En có quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe theo TCVN 4054-2005, chiều dài tuyến hơn 12 km, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua địa phận 2 huyện Nông Cống (xã Vạn Thiện và xã Thăng Long) với chiều dài 5,5 km (Km0-Km5+549) và huyện Như Thanh (xã Yên Thọ, xã Xuân Phúc và thị trấn Bến Sung) với chiều dài 6,6 km (Km5+549-Km12+176).
Điểm đầu km0+00 giao với đường nối cao tốc Bắc - Nam phía Đông với Quốc lộ 45 tại Km1+417,17 tại địa phận thôn Làng Mật, xã Vạn Thiện; điểm cuối km12+00 thuộc địa phận khu phố Tân Thành, thị trấn Bến Sung… Nhà thầu thi công dự án là liên danh các nhà thầu: Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, Tổng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn, Công ty CP đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàn, Tổng Công ty đầu tư xây dựng cầu đường - CTCP.
Tuyến đường có vai trò quan trọng, tăng cường kết nối Vườn Quốc gia Bến En với mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển cho tỉnh về phía Tây Nam, là đòn bẩy phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững.
Dự án sau khi hoàn thành là một trong những điều kiện rất quan trọng góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác kinh tế của khu vực phía Bắc theo tinh thần Nghị Quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại lễ khởi công Dự án, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu đã ấn nút khởi công xây dựng dự án đường Vạn Thiện đi Bến En.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tham dự tại Lễ khánh thành và vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được khởi công tháng 7/2018 tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.330 MW. Công trình được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng Công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao và sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm. Tổng thầu dự án là Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam.
Sau hơn 4 năm thi công, ngày 11/1/2022, NS2PC đã vận hành tổ máy số 1 công suất 600 MW. Vào ngày 13/7/2022, NS2PC cũng đã thử nghiệm công suất tin cậy ban đầu của nhà máy với sự chứng kiến của các chuyên gia Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tư vấn độc lập. Kết quả thử nghiệm công suất tin cậy ban đầu của nhà máy đạt hơn 1.200 MW công suất tinh và nhà máy chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/7/2022.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định: Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là kết quả của sự hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Hàn Quốc. Đây là dự án công nghiệp trọng điểm lớn thứ 2 sau Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đóng vai trò là một trong những “hạt nhân” quan trọng và là động lực thúc đẩy Khu Kinh tế Nghi Sơn phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nghi Sơn trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước trong những năm tới.
Dự án còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, đáp ứng điện năng cho vùng Bắc Trung Bộ và các tỉnh, thành phố phía Bắc của Tổ quốc, góp phần hoàn thành mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng bày tỏ sự tin tưởng, với việc áp dụng công nghệ cao, dự án không chỉ đi vào vận hành đạt hiệu quả kinh tế mà còn sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác, đạt tiêu chí sản xuất xanh và thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đề nghị, bên cạnh việc đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư đưa dự án đi vào vận hành thương mại đạt hiệu quả, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt là những hộ dân đã nhường đất để xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn nói riêng và xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn nói chung. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, phục hồi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng, đồng thời phải quyết tâm bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển...