Chủ tịch nước cắt băng khánh thành kênh Tân Hóa - Lò Gốm
- Tây Y
- 22:18 - 05/04/2015
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia cắt băng khánh thành dự án Cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm và trồng cây xanh tại công viên Phạm Văn Chí ven tuyến kênh - Ảnh: Diệp Đức Minh.
Diện mạo của tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm hôm nay. - Ảnh: Diệp Đức Minh.
Tham dự lễ khánh thành còn có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, cùng lãnh đạo các Bộ ngành T.Ư, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), chính quyền và người dân TP.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị, cho biết kênh Tân Hóa - Lò Gốm là một phần của mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch của TP.HCM. Kênh chính có chiều dài 7,5 km và các nhánh phụ khoảng 1,2 km.
Kênh có chức năng lưu chuyển nước mưa và nước thải kết nối với tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé hòa vào dòng chảy sông Sài Gòn và đổ về hướng miền Tây.
Phạm vi dự án nằm trên địa bàn các quận: 6, 11 và Tân Phú với tổng chiều dài 6,8 km. Dọc theo tuyến kênh có hơn 470.000 dân và 15.000 doanh nghiệp, cơ sở gia công.
Trước kia, tuyến kênh này không chỉ ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước, mà còn lưu chứa một lượng rác thải rất lớn, có nơi có thể đi bộ trên rác ở giữa lòng kênh.
Nay dọc 2 bên bờ kênh là bờ kè mái dốc với tổng chiều dài gần 8 km, cùng với hơn 11,5 km đường giao thông, trong đó có một đường lưu thông trên cống hộp từ 2 - 4 làn xe và đường dọc kênh hở với 1 hoặc 2 làn xe.
Trên tuyến kênh ban đầu có 10 cây cầu, sau đó bổ sung thêm 2 cây cầu bắc qua kênh được xây dựng lại là Ông Buông 1 và Ông Buông 2.
Cây xanh, thảm cỏ, bụi hoa… được trồng dọc theo 2 bên kênh và bao phủ các khu tiểu đảo, công viên, trạm bơm.
Công trình có tổng mức đầu tư 166,647 triệu USD này (chưa bao gồm 1.714,56 tỉ đồng chi phí bồi thường, giải tỏa, tái định cư) đã đem lại lợi ích trực tiếp cho hơn 1,2 triệu dân trong khu vực và 1/3 số phương tiện, cư dân từ cửa ngõ phía tây nam lưu thông vào trung tâm TP được thuận lợi hơn.
Bà Nguyễn Thị Sáng, một người dân trước đây nhà ở khu vực giải tỏa của dự án, thuộc phường 14, quận 6, nay đã tái định cư tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Trở lại nơi ở nhếch nhác ngày xưa của gia đình, nay đã trở thành một phần đường dọc kênh với không gian thoáng đãng, không còn bị ngập úng, dơ bẩn, bà Sáng vui mừng khi đại diện người dân phát biểu cảm nghĩ của mình về sự thay đổi của dòng kênh.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân phát biểu cám ơn Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng TP trong thời gian qua, đã đem lại hiệu quả to lớn hoàn thành dự án. Cám ơn nhân dân trong khu vực dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho dự án hoàn thành tốt đẹp, đặc biệt là các hộ dân đã di dời tái định cư ở nơi khác .
Đây là tuyến kênh thứ 3 tại TP.HCM đã được đầu tư cải tạo, sau tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.