CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Chủ tịch Hà Nội hứa di chuyển cây hoa sữa ở nhiều tuyến phố

 

Hoa sữa dày đặc trên một tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Quang Chiến

 

Sáng 24/11, tại cuộc tiếp xúc cử tri với đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bà Bùi Thị Nga (phường Bưởi, quận Ba Đình) phản ánh tình trạng cây hoa sữa về mùa này tỏa mùi hương quá nặng mùi, khiến người dân ở phố Trích Sài luôn cảm thấy khó chịu.

"Vấn đề này đã được người dân phản ánh nhiều năm qua nhưng chưa được thành phố tiếp thu ý kiến. Tôi đề nghị thành phố chỉ đạo đơn vị quản lý cây xanh, đánh chuyển bớt hoa sữa ở khu phố này đi trồng ở những địa điểm phù hợp", cử tri Nga nói.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận, không chỉ phố Trích Sài, mà nhiều tuyến phố khác như Nguyễn Chí Thanh vừa qua trồng hoa sữa tương đối nhiều. Đến nay, các cây này đã cao lớn, hoa tỏa ra mùi hương gây bức xúc cho người dân.

"Thành phố cũng đã nhận ra vấn đề và sẽ tiếp thu ý kiến cử tri. Thời gian tới sẽ đánh chuyển bớt các cây hoa sữa ở một số tuyến phố có mật độ cao sang nơi khác, trồng cây khác để đảm bảo hài hòa hơn", ông Chung cho hay.

Dự án đội vốn không phải do tiêu cực

Trả lời cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị, quận Ba Đình) về một số dự án đội vốn trên cả nước nói chung và ở TP Hà Nội nói riêng, ông Chung cho biết, Hà Nội có tuyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) vay vốn ODA Nhật Bản đưa vào nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2009, đến 2016 mới xong hồ sơ trình Chính phủ.

Theo ông Chung, dự toán của tuyến đường sắt số 2 của TP Hà Nội là trên 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định tăng lên hơn 35.000 tỷ đồng. Lý do là năm 2009, tỷ giá đồng Yên thấp, giá nhân công cũng thấp, nay qua 6 lần tăng lương thì giá nhân công đã cao, giá nguyên vật liệu cũng tăng.

"Dự án đội vốn không phải do vấn đề gì tiêu cực, vì quá trình lập dự án có sự giám sát chặt chẽ của đối tác Nhật Bản, thời gian tới Chính phủ còn trình Quốc hội, được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, khi đó mới thi công", ông Chung nói.

Từ thực tế trên, ông Chung cho biết, TP Hà Nội đã rút ra một số bài học là việc nghiên cứu tiền khả thi quá dài; vì vậy, với những dự án đường sắt còn lại, thời gian giao các đơn vị tư vấn chỉ trong vòng 6 tháng đến một năm, sau đó lập dự án tiền khả thi luôn để dự toán sát thực tế.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh