Không tài sản bảo đảm, ngư dân được vay đóng mới tàu cá
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:09 - 11/03/2015
Nghị định 67 quy định chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm (đóng tàu vỏ thép); Có cơ chế xử lý rủi ro; Có chính sách cho vay vốn lưu động (lãi suất cho vay là 7%/năm trong năm đầu tính từ ngày ký kết vay).
NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại ban hành văn bản hướng dẫn các chi nhánh, phòng giao dịch về trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn theo Nghị định 67 và Thông tư 22 của khách hàng theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật và trình độ của khách hàng…
Ngân hàng thương mại phải chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương tiếp cận các chủ tàu là tổ chức, cá nhân ngay sau khi được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; tạo điều kiện để khách hàng được vay mức cao nhất có thể theo quy định của Nghị định 67; không bắt buộc chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu.
“Việc cho vay vốn lưu động được thực hiện theo quy định hiện hành, tuy nhiên có thể xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm khi chủ tàu tham gia liên kết theo chuỗi sản xuất từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền” – văn bản của NHNN nêu rõ.
NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển có trách nhiệm chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cho vay của các ngân hàng sau khi UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện theo Nghị định 67.