THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:34

Chủ quan với bệnh lao: 16.000 người chết mỗi năm

Việt Nam có số người chết vì bệnh lao xếp thứ 16 trên toàn cầu

Kết quả thống kê sơ bộ của ngành y tế vừa được công bố vào đầu tháng 4/2018 cho thấy, trong năm 2017 trên cả nước có tới 160.000 người bị bệnh lao, trong đó có 16.000 người tử vong vì căn bệnh này. Hiện Việt Nam là quốc gia có số người chết vì bệnh lao xếp thứ 16 trên toàn cầu với nguy cơ lây lan bệnh ở mức cảnh báo.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây lan qua đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết, lây truyền từ mẹ sang con… Bệnh lao hiện đã có vắc xin chủng ngừa, tuy nhiên một nhóm người ở khu vực vùng sâu vùng xa, người có điều kiện kinh tế khó khăn chưa chú ý đến việc phòng bệnh. Hiện nay bệnh lao kháng thuốc và cả lao đa kháng thuốc đã có phác đồ điều trị mang lại hiệu quả cao thời gian điều trị liên tục khoảng 8 tháng. Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh lao điều kiện kinh tế rất khó khăn nên không đáp ứng được liệu trình, bỏ ngang việc điều trị hoặc tâm lý thờ ơ với sự nguy hiểm do bệnh gây nên khiến tỷ lệ tử vong do bệnh lao còn ở mức cao.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện vẫn còn 20% người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây cũng là những đối tượng có nguy cơ khiến bệnh lao tiếp tục lây lan ra cộng đồng, ảnh hưởng tới mục tiêu chỉ còn 20 người mắc bệnh lao/100.000 dân vào năm 2030. Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng,  trong hai năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao, mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 16.500 người mắc lao mới.Tuy nhiên, con số này chỉ ước đạt 80% thực tế số người mắc lao trong cộng đồng. Do vậy, vấn đề là phải làm sao tiếp cận và phát hiện được 20% số người mắc này. Các quận, huyện cần thay đổi cách làm, chủ động hơn nữa trong việc đến từng nhà người dân để xét nghiệm, phát hiện lao. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp công-tư trong việc điều trị bệnh lao, nhất là việc hỗ trợ các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư nhân phương tiện điều trị bệnh lao để họ có thể điều trị cho bệnh nhân một cách “tới nơi tới chốn,” hạn chế tình trạng bỏ trị, gây tình trạng lao kháng thuốc.

 

Bệnh lao- Cần kiên trì điều trị dứt điểm


20% bệnh nhân chưa được phát hiện- Nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo, Việt Nam hiện đang xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chương trình chống lao quốc gia vẫn còn nhiều thách thức khi chưa tầm soát hết các đối tượng nghi mắc lao đa kháng thuốc; tỷ lệ người được xét nghiệm trong số nghi lao đa kháng thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương; hầu hết sự phối hợp hiện nay chủ yếu là mô hình chuyển người nghi lao đến khám phát hiện; đặc biệt sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu...

Theo Chương trình chống lao quốc gia, năm 2018, sau ba năm thưc hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống lao Việt Nam, kết quả bước đầu đã cho thấy những thành tựu to lớn đó là giảm số mắc và giảm số tử vong do lao.  Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới từ 2015 sang năm 2016 đã giảm từ 128.000 xuống 126.000 người mắc và giảm từ 16.000 xuống 13.000 người chết do lao, giảm được 2.000 người mắc và 3.000 người chết do lao. 

Tuy nhiên, nghiên cứu của Chương trình chống lao Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới với các đối tác cho thấy có đến 64% người mắc lao còn nhậy cảm với thuốc và 98% số người mắc lao kháng thuốc tại Việt Nam phải đối diện với chi phí thảm họa, họ mất đi trên 20% tổng thu nhập của gia đình trong 1 năm để điều trị bệnh, mặc dù đã được cấp thuốc miễn phí từ Chương trình. 

Hiện nay, công tác điều trị lao tuy có nhiều tiến bộ nhưng với số lượng thuốc khá lớn, có thể có các phản ứng với thuốc và đặc biệt thời gian kéo dài ít nhất là 6 tháng và có thể phải đến 2 năm nếu điều trị lao kháng thuốc. Vì vậy, người bệnh ngoài việc nhận thuốc chống lao miễn phí thì còn cần rất nhiều các điều trị các bệnh lý phối hợp và các điều kiện sống khác để hoàn thành điều trị và khỏi bệnh. 

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, bảo hiểm y tế là một chính sách hết sức đúng đắn sẽ giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt quan trọng với người bệnh mắc lao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả theo luật Bảo hiểm y tế, dù là 5% cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao. 

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh