THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:35

Chủ động phòng tránh bệnh viêm não mô cầu

 

Bệnh lây qua đường hô hấp

Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã ghi nhận hai trường hợp bị não mô cầu nguy hiểm đầu tiên của năm 2016. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, ngay sau khi phát hiện, hai bệnh nhân này đang được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho bệnh nhân khác.

Theo các chuyên gia y tế, mùa Đông Xuân là thời điểm dịch viêm màng não do mô cầu thường gia tăng. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn gây não mô cầu cư trú tại vùng hầu họng người bệnh. Khi tiếp xúc, nói chuyện vi khuẩn có thể theo các giọt nước bọt bắn ra ngoài lây truyền cho người xung quanh.

Dù số ca gặp không nhiều, nhưng do não mô cầu là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Bệnh viêm não mô cầu có thể lây lan qua đường hô hấp. Đặc biệt với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong 24 giờ khởi bệnh khiến bác sĩ đôi khi chưa kịp chuẩn đoán, chưa kịp điều trị thì bệnh nhân đã tử vong.

 

Bệnh nhân viêm não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Theo số liệu thống kê tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh và năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần.Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 cả nước ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu rải rác tại một số tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội… trong đó, một số trường hợp đã tử vong. Từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có một trường hợp tử vong.

Hiện nay tại các ổ dịch đều được Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương tập trung giải quyết, theo dõi, cách ly tại nhà bệnh nhân và thực hiện các biện pháp cần thiết để không để dịch có nguy cơ lan rộng. Việc tiêm chủng và chủ động phòng tránh được coi là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh nguy hiểm này.

Hà Nội "cháy" vắc xin phòng não mô cầu

Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế) cho biết, có 2 loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là vắc xin BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi và người lớn). Sau tiêm 10 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch bảo vệ và kháng thể nhưng sau 3 năm sẽ giảm, do đó sau thời gian này cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2.

Sau khi xuất hiện các ca viêm màng não mô cầu tại Hà Nội, nhiều người dân đã tìm cách đi tiêm phòng bệnh. Tuy nhiên, tại nhiều điểm tiêm vắc xin dịch vụ trên địa bàn Hà Nội hiện đã hết hàng. Trên thực tế, vắc xin ngừa viêm não mô cầu A, C - hai chủng vi khuẩn hay gặp nhiều nhất tại Việt Nam - đã hết hàng từ cuối tháng 11/2015. Tại các điểm tiêm chủng như Polyvac, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 131 Lò Đúc, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều không còn vắc xin này.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cũng xác nhận, hiện tại vắc xin ngừa não mô cầu A, C trên thị trường đã hết và dự kiến khoảng giữa tháng 4 mới có. Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, thực hiện theo hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế. Được biết, hiện Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng, điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

 

Để phòng bệnh viêm não, màng não do virus não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Người dân cần chú ý vệ sinh tốt nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Trong trường hợp có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh