Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nói gì khi liên tục "ăn đòn" tố cáo?
- Tây Y
- 13:54 - 26/06/2017
Cổng vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước - TP.HCM
UBND TP.HCM đã nhiều lần trả lời đơn tố cáo
Đầu năm 2017, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra dự án KLHXLCT Đa Phước do Cty VWS làm chủ đầu tư. Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc đối với dự án này là xuất phát từ đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức- Giám đốc Cty Cổ phần XDGT Đức Hạnh (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. HCM). Được biết, trước khi Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo, thì trước đó, ông Đức cũng đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng tại TP.HCM với nhiều nội dung tương tự. Tuy nhiên, những thông tin trong đơn tố cáo của ông Đức và báo chí nêu lên đều được UBND TP. HCM có văn bản trả lời, thậm chí báo cáo lên Văn phòng Chính phủ. Đại diện Công ty VWS cho rằng hoạt động của doanh nghiệp không ảnh hưởng tới lợi ích của ông Đoàn Văn Đức và những đơn tố cáo của ông này xuất phát từ sự ganh ghét, đố kỵ. Suốt nhiều năm qua, ông Đức, đã nhiều lần có đơn thư gửi lãnh đạo Đảng và Chính phủ phản ánh việc UBND TP. Hồ Chí Minh dành nhiều ưu ái có dấu hiệu trái pháp luật đối với Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS), như ứng trước 9 triệu USD để xây dựng bãi rác Đa Phước, đóng bãi chôn lấp Phước Hiệp để chuyển rác về bãi Đa Phước, đơn giá xử lý rác của VWS gấp nhiều lần các công ty khác…Ông Đức thậm chí đề nghị cho đóng cửa bãi rác này – hiện là nơi tiếp nhận phần lớn rác thải các loại của TP. Hồ Chí Minh. Công ty VWS cho rằng việc ông Đức liên tục gửi đơn thư tố cáo lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với nội dung trùng lặp, mặc dù đã được giải thích đầy đủ và cụ thể theo quy định của pháp luật đã gây mệt mỏi cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Vậy tại sao ông Đức lại kiên trì đi tố cáo chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước? Theo VWS, năm 2003, đoàn lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An đến Mỹ mời gọi CWS (công ty mẹ của VWS) về đầu tư dự án xử lý rác tại Thủ Thừa (tỉnh Long An) trên diện tích 1.760 ha.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nhìn từ trên cao
Doanh nghiệp nước ngoài mệt mỏi vì khiếu kiện
Tại dự án này, ông David Dương cho biết, Công ty VWS được đề nghị hợp tác với Công ty Đức Hạnh của ông Đoàn Văn Đức để triển khai. Mặc dù vậy, Công ty Đức Hạnh lại không cho VWS tham gia giai đoạn đầu và đã tự ý thuê một công ty tư vấn lập dự án, nạo vét hết 1.760 ha với chiều sâu là 8m. “Khi ông Đức thông báo sẽ giao lại mặt bằng thì chúng tôi biết là mình không thể thực hiện được vì một hố sâu 8 mét (sâu hơn mặt nước ngầm) thì không cách gì và không có công nghệ nào để thực làm được nên chúng tôi đã nói thẳng với ông Đức là không thể thực hiện dự án”, văn bản của ông David Dương gửi cơ quan chức năng nêu rõ. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên cũng vì thế dừng lại. Đại diện VWS cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự ganh ghét, đố kỵ của ông Đoàn Văn Đức đối với chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Hàng loạt đơn tố cáo về bãi rác Đa Phước của Công ty VWS sau đó được ông Đức gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Theo ông David Dương, khiếu kiện kéo dài của ông Đức với VWS dẫn tới các đợt thanh, kiểm tra liên tiếp của cơ quan thẩm quyền khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi, đội ngũ nhân viên, kỹ sư dao động tâm lý. Bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp ông David Dương cũng tỏ ra băn khoăn về chính sách thu hút nguồn lực từ Việt kiều khi đã đổ hàng trăm triệu USD vào các dự án xử lý rác tại quê nhà. Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ Bức xúc vì liên tục bị ông Đoàn Văn Đức có đơn tố cáo về các vấn đề mà đã được TP. HCM kiểm tra, rà soát, trả lời nhưng vẫn chưa làm cho người tố cáo “thoả mãn”, ngày 19/6/2017, ông David Dương- Chủ tịch HĐQT/ Tổng Giám đốc Cty VWS (Việt kiều Mỹ) ký văn bản số 17147/VB- VWS gửi Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ giãi bày nguyên nhân sâu xa vì sao dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước liên tục bị tố cáo, sự việc kéo dài, không chấm dứt gây tâm lý bất ổn trong cán bộ công nhân viên công ty. Tại văn bản này, ông David Dương cho biết các tố cáo của ông Đoàn Văn Đức đều không đúng sự thật, gây rất nhiều khó khăn cho cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Ông David Dương lo ngại, sự việc kéo dài tại Công ty VWS cũng có thể gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Việt kiều đã, đang và sẽ định về đầu tư tại Việt Nam. Theo ông David Dương, lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần có văn bản trả lời ông Đức cũng như giải trình Chính phủ chi tiết các nội dung khiếu nại của ông Đoàn Văn Đức liên quan tới Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước, trong đó nêu rõ căn cứ về việc ứng trước 9 triệu USD để giảm giá thành xử lý rác, đơn giá xử lý rác đã được trình Bộ Kế hoạch – Đầu tư duyệt trước khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bắt buộc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bị người dân phản đối gay gắt… Cụ thể, ngày 8/9/2016, UBND TP. HCM có văn bản 4976/UBND-ĐT về việc giải trình liên quan đến việc thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Liên quan đến tố cáo của ông Đoàn Văn Đức ngày 12/11/2015, UBND thành phố đã có văn bản báo cáo Chủ tịch nước, Đoàn ĐBQH thành phố”. UBND TP. HCM cũng khẳng định: Nội dung tố cáo của ông Đoàn Văn Đức ngày 29/4/2016 có nội dung tương tự các nội dung đã được UBND TP giải trình tại văn bản 6940/UBND-ĐTMT ngày 12/11/2015. Về vấn đề đơn xử lý rác, TP. HCM khẳng định không có căn cứ để xác định đơn giá “chôn rác” vào thời điểm đó chỉ từ 5-7 USD/tấn như tố cáo của ông Đoàn Văn Đức. “Đối với đơn giá 16,4 USD/tấn đã được tổ công tác gồm nhiều sở ngành thẩm định và đề xuất, UBND thành phố báo cáo, giải trình với Bộ KHĐT trước khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai dự án”- Văn bản số 4976/UBND-ĐT ngày 8/9/2016 của UBND TP. HCM khẳng định….
Tại báo cáo số 12-CV/BCSD ngày 16/3/2016 của Ban Cán sự Đảng TP. HCM khẳng định: Công nghệ của bãi chôn lấp số 3 và Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước đều có quy trình phù hợp để xử lý chất thải rắn theo công nghệ chôn lấp. Các quy trình chôn lấp, chống thấm, thoát nước, thu khí và khử mùi hôi đều được thực hiện tương tự như nhau và đạt tiêu chuẩn quy định. Báo cáo số 12 cũng cho biết là khi tham quan dự án vào tháng 7/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến, kết luận: “Cty VWS đã nỗ lực đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước công suất 10.000 tấn/ngày, hiện đang tiếp nhận xử lý 3.000 tấn/ngày với công nghệ xử lý chất thải rắn đa dạng (chôn lấp, sản xuất phân compost và tái chế) và trong tương lai sẽ sản xuất điện từ khí sinh học… Đây là dự án áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, góp phần phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước”.
Trong văn bản số 7147 gửi Thủ tướng Chính phủ, ông David Dương cho biết trong đợt làm việc của Thanh tra Chính phủ xác minh đơn tố cáo của ông Đức vừa qua, VWS đã tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, giấy tờ chứng minh năng lực tài chính theo yêu cầu và đúng quy định của Việt Nam, với tinh thần cầu thị và minh bạch, mong muốn sự việc sớm được kết luận để ổn định hoạt động. Tuy nhiên, đến nay đã 5 tháng trôi qua, các thông tin về đợt thanh tra vẫn chưa được công bố, trong khi nhiều thông tin bất lợi về dự án vẫn được báo chí tiếp tục đưa ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty VWS. “Những tố cáo của ông Đoàn Văn Đức đều không đúng sự thật, gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong quá trình đầu tư tại Việt Nam và làm phiền đến các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương trong một thời gian dài. Chúng tôi kính mong Thủ tướng Chính phủ có sự phán xử công tâm, minh bạch và rõ ràng cũng như giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, dứt điểm, để trả lại sự công bằng, uy tín – trả lại sự an tâm cho doanh nghiệp để chúng tôi có thể yên tâm đầu tư, tái đầu tư và làm tốt công việc của mình đối với dự án và quê hương”, văn bản của ông David Dương kính gửi Thủ tướng Chính phủ khẩn cầu, cho biết.