CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:31

“Chốt chặn” nơi tuyến đầu chống dịch

Việt Nam là một trong số nước phát hiện dịch bệnh sớm, sau Trung Quốc, nhưng cũng là quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả đó là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và không thể không nhắc đến đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh - những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy và gian khó.

Năm 2020, bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 1 trong 10 cá nhân được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2020. Không ngạc nhiên khi ông là đại biểu của ngành y tế có mặt trong danh sách này bởi ông đã cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đóng góp rất to lớn trong việc khống chế thành công dịch Covid-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch tại miền Bắc ngay trong những ngày đầu tiên Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi chia sẻ cảm xúc về danh hiệu cao quý đó, BS Nguyễn Trung Cấp khiêm tốn cho biết, trong đợt dịch Covid-19, tất cả nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò đều rất xuất sắc, ông chỉ là một trong những người đó và may mắn hơn, ông là người đại diện được vinh danh trong dịp này bởi "như những đồng nghiệp khác, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và may mắn được xã hội ghi nhận".

“Chốt chặn” nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

BS Nguyễn Trung Cấp và đồng nghiệp tại "tâm dịch" Hải Dương

25 năm gắn bó với ngành hồi sức cấp cứu, BS Nguyễn Trung Cấp luôn đảm nhiệm công việc khám, cấp cứu, chẩn đoán điều trị những bệnh nhân nặng, có những diễn biến nguy kịch, phức tạp. Trong đợt dịch Covid-19, ông đã trực tiếp khám, phân loại và điều trị cho nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó có rất nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Nhớ lại giai đoạn đoạn đầu khi mới tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ Vũ Hán trở về, khi đó, Covid-19 vẫn là một bệnh lý mới nên các hiểu biết chung về bệnh này trên thế giới không có nhiều (ngoài một số kinh nghiệm từ Vũ Hán), đó là giai đoạn vô cùng khó khăn với BS Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp.

"Thời gian đó, các quan điểm điều trị, kỹ thuật, chiến lược đều căn cứ vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như Mers-CoV, SARS, cúm. Giai đoạn đầu điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng chiến lược, phương án điều trị trên cơ sở hiểu biết về những bệnh lý tương tự khi áp sang bệnh lý này không phải lúc nào cũng đúng, đòi hỏi mình luôn phải theo sát bệnh nhân, phải tìm ra vấn đề thực sự của bệnh nhân để điều trị cho đúng. Sau 1 thời gian, với một lượng bệnh nhân, chúng tôi cũng đã dần có những kinh nghiệm, dần hiểu biết về bệnh lý này và các nghiên cứu trên thế giới dần sáng tỏ, từ đó việc chẩn đoán điều trị mới rõ ràng hơn", BS Cấp cho biết.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, bất chấp những vất vả, gian khổ và hiểm nguy, với BS Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp, sự tiến triển tốt của bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh khó qua khỏi chính là niềm vui nho nhỏ mỗi ngày, là động lực để phấn đấu. "Có thể với những người tỷ phú kiếm được vài tỷ họ mới vui hay người nông dân có thể kiếm thêm được bữa gạo cũng đã là vui. Tất cả mọi ngành nghề đều như thế, khi chúng ta có thành công trong công việc của mình thì đó là niềm vui. Niềm vui nho nhỏ hàng ngày của các bác sĩ là chữa khỏi bệnh cho các bệnh nhân", BS Cấp chia sẻ.

Còn nhớ trong đợt dịch lần thứ hai, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng là một trong 3 bệnh viện tại Đà Nẵng bị phong tỏa. Khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Lao động và Xã hội, BS, CKII Đỗ Văn Thành, Giám đốc bệnh viện cho biết, ông cùng 140 cán bộ công nhân viên và 255 bệnh nhân và người nhà phải ở lại bệnh viện "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trong hoàn cảnh đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn là trực tiếp điều trị cho bệnh nhân thì các cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện đều tham gia phục vụ cơm nước cho bệnh nhân và người nhà đang cách ly tại bệnh viện.

“Chốt chặn” nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng kiêm luôn việc khuân vác nhu yếu phẩm phục vụ bênh nhân và người nhà của họ

 Vất vả, khó khăn là thế nhưng vị giám đốc bệnh viện trực thuộc ngành LĐ-TB&XH khi đó vẫn khẳng định: "Chúng tôi không ngại khó khăn, mọi thứ rồi sẽ đi vào nề nếp. Bệnh viện cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng cùng lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội thường xuyên gọi điện động viên, hỏi thăm tình hình, chỉ đạo Bệnh viện phối hợp với Sở Y tế và UBND thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Chỉ hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định, hết thời gian cách ly để bệnh viện sớm hoạt động trở lại…".

 Đợt dịch thứ 3 này, Hải Dương trở thành tâm điểm. Gần 50 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã được điều động gấp về tăng cường tại Hải Dương, hỗ trợ và cùng các y, bác sĩ, lực lượng y tế địa phương phòng chống dịch. BS Trần Hoàng Long, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhận nhiệm vụ tại Hải Dương từ ngày 29 Tết. Anh kể về buổi sáng nhận tin nhắn của trưởng khoa, chỉ kịp nói với gia đình một câu: "Con đi Hải Dương đây!"...

"Những ngày Tết cũng là thời gian tỉnh Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới. Công việc trong những ngày đầu khá căng thẳng. Ngay trong thời gian đầu, có những bệnh nhân có diễn biến bất thường, tôi vừa trực tiếp khám bệnh nhân, vừa phối hợp, hướng dẫn bác sĩ tại địa phương những công việc cần phải làm, cách sử dụng phác đồ. Tuy nhiên, là bác sĩ, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân bất kể khi nào cần, thậm chí tôi có thể ở Hải Dương đến khi hết dịch", BS Long chia sẻ.

“Chốt chặn” nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Y bác sĩ - người đồng hành không biết mệt mỏi với người bệnh trong cuộc chiến giành giật lại sự sống

 Cũng như BS Long, BS Nguyễn Hải Tuấn khi nhận được yêu cầu tăng cường của Bệnh viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng không kịp về qua nhà, chỉ kịp mua tạm vài bộ quần áo rồi vội vàng lên đường tới Hải Dương. Suốt 1 tháng qua, anh cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương làm việc quên ngày tháng. Số lượng mẫu xét nghiệm lớn, khối lượng công việc nhiều, các anh phải khẩn trương, chạy nước rút để thu thập thông tin, phân tích đánh giá tình hình để các cơ quan chức năng địa phương đưa ra phương án và biện pháp phòng dịch kịp thời.

"Nghề của tôi là nghề chống dịch nên lúc nào cũng sẵn sàng, không quản ngại. Vợ con cũng thông cảm với tính chất nghề nghiệp và cũng quen rồi. Không phải riêng cá nhân tôi, cả anh em đồng nghiệp  và các lực lượng tuyến đầu chống dịch đều thế", BS Tuấn tâm sự.

Dịch bệnh căng thẳng đúng dịp Tết Nguyên đán. Rất nhiều y, bác sĩ đã nằm tại tâm dịch, tạm để lại sau lưng gia đình mình để toàn tâm toàn ý chống dịch, họ đã trở thành những "chốt chặn" phòng chống dịch để giữ cho người dân một cuộc sống bình yên. Giao thừa Tết Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đón Giao thừa "trực tuyến" cùng tất cả y, bác sĩ đang làm công tác điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên cả nước. Khi đó, tư lệnh ngành y tế nhấn mạnh: Trong lịch sử ngành y chưa bao giờ có một năm dài như vậy, chưa lúc nào phải đối phó với căn bệnh lan nhanh như vậy. "Tuy nhiên, chúng ta tự hào vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch tốt nhưng vừa làm công tác điều trị tốt, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống... Các thầy thuốc đã không kể ngày đêm, không kể khó khăn và gian nan đi đến mọi địa điểm có dịch. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trung ương và địa phương, giữa quân với dân tạo nên sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19".

C.Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh