Chồng tặng sinh nhật vợ chiếc ô tô 1 tỷ, ai ngờ thứ anh nhận lại là lá đơn ly hôn
- Bác sĩ
- 05:06 - 08/05/2020
Cho đến khi Quý đi rồi mà nhân viên cửa hàng xe hơi vẫn còn bàn tán mãi. Về một người đàn ông đẹp trai tỉ mẩn chọn xe hơi tặng sinh nhật 35 tuổi của vợ. Chiếc xế hộp ấy còn có giá lên đến cả tỷ đồng. Ai là người không mơ ước được may mắn như người phụ nữ ấy?
Bên kia, Quý đang hớn hở lái xe về nhà, trên xe là bó hồng rực rỡ. Tối nay anh sẽ dẫn cả nhà đi ăn hàng, bàn tiệc anh đặt sẵn cả rồi. Chắc hẳn Nga sẽ vui lắm đây nhỉ.
Nhưng khi anh dúi vào tay Nga chiếc chìa khóa, cười tươi bảo cô lên lái thử thì Nga chỉ cúi đầu lặng thinh. Cô chẳng nhìn anh cũng không ngó ngàng đến chiếc xe sáng bóng. Nga mân mê chiếc chìa khóa trong tay, trên mặt chẳng có chút gì là vui mừng.
"Em sao thế?", Quý hỏi vợ. Nga ngần ngừ rồi đáp: "Anh giữ lại đi, em đi xe máy tiện hơn. Em chỉ muốn về bên mẹ khoảng nửa tháng...".
Cô chưa nói hết câu, Quý đã lập tức gạt phăng: "Em về làm gì? Anh thuê hộ lý chuyên nghiệp cho ông rồi đấy thôi! Em đi thì ai chăm con, ai nấu nướng cho mẹ? Chỉ có em nấu hợp khẩu vị của bà, em thừa biết mà".
Nga biết đề nghị của mình chắc chắn lại bị từ chối, chẳng qua cô vẫn muốn thử 1 lần cuối cùng, hy vọng nhỡ đâu kỳ tích có thể phát sinh.
Trong lòng hạ quyết tâm, Nga nhìn thẳng vào chồng, rành rọt nói từng chữ: "Chúng ta ly hôn đi!". Quý đầu tiên là lặng người không thể tin nổi. Rồi anh hét lên phẫn nộ: "Tại sao?".
Anh đối xử với cô không tốt ư? Cô có biết bao kẻ mơ ước lấy được người chồng giàu có lại chung thủy như anh, khao khát thay thế vị trí của cô hay không?
"Chồng... em có thể không cần hoặc cưới người chồng khác. Nhưng em chỉ có một bố mẹ mà thôi", Nga cắn răng nói từng từ. Thực ra, quyết định này đã nhen nhóm trong cô từ rất lâu, thời gian có thể tính bằng năm ấy chứ. Hoàn toàn không phải cô nhất thời nông nổi hay dằn dỗi mà đe dọa chồng.
Ngay sau đám cưới, Quý bảo Nga nghỉ việc ở nhà trông con và chăm sóc mẹ chồng. Anh quá cương quyết, Nga đành nhún nhường nghe theo. Đến nay đã qua 7 năm, Quý đối với cô vẫn ân cần như ngày nào. Mẹ chồng khá dễ chịu, cuộc sống làm vợ, làm dâu của Nga dường như chẳng có điều gì phải phàn nàn.
Nhưng 7 năm qua, Nga chỉ được về nhà thăm cha mẹ vào dịp Tết, còn không thể ngủ qua đêm. Bố mẹ cô ốm đau hay nhà có công có việc gì, Nga đều vắng mặt. Nguyên nhân chỉ có một, đó là Quý không đồng ý.
Ban đầu Quý nói con nhỏ, đi xa 50 cây số làm con mệt. Rồi anh lại bảo mẹ anh già yếu, anh đi công tác rồi mà trong nhà có mỗi người giúp việc, đêm hôm anh không yên tâm.
Sau cùng, Quý nói thẳng, cô đã đi lấy chồng phải toàn tâm toàn ý với chồng con, bố mẹ chồng. Anh không muốn cô phân tâm hay chia sẻ thời gian cho nhà ngoại. Đổi lại, anh cung cấp cho cô một cuộc sống dư dả, gia đình hạnh phúc nên đòi hỏi như vậy chẳng có gì là quá đáng.
Lúc đó hai người cãi nhau to về chuyện này song Quý khăng khăng không nhượng bộ. Bố mẹ Nga biết chuyện thì khuyên giải con gái đừng căng thẳng với chồng. Cô kết hôn được hạnh phúc là ông bà mãn nguyện rồi, có thăm nom thường xuyên hay không cũng không quan trọng.
Đến năm ngoái, bố Nga bị tai biến. Ông qua được cơn nguy kịch nhưng hiện tại sinh hoạt rất bất tiện. Trong khi đó sức khỏe mẹ Nga ngày một yếu đi. Nga đau đến thắt ruột khi nghĩ bố mẹ già cả mà cô không thể kề cận bên ông bà ngày nào. Chữ hiếu chẳng thể làm tròn, tình yêu dành cho bố mẹ chẳng có cơ hội thể hiện, ông bà lại chỉ sinh được mỗi mình cô.
Nga nhiều đêm thức trắng, nghĩ đi nghĩ lại rồi mới đưa ra lựa chọn này. Nếu Quý không thể thay đổi thì cô chỉ còn cách chọn một trong hai. Ly hôn là thiệt thòi cho cô và con nhưng nếu không thể ở bên bố mẹ vào lúc ông bà cần cô nhất thì đời này cô chẳng bao giờ được sống thanh thản.
Đàn ông có thể thản nhiên thốt ra với vợ: "Bỏ vợ này lấy vợ khác nhưng bố mẹ là duy nhất". Có lẽ họ không biết, đối với phụ nữ cũng chẳng khác gì. Công lao của bố mẹ chồng lớn từng nào nào thì tâm sức mà bố mẹ vợ dành cho con gái lớn từng ấy. Sự kính trọng, biết ơn của chồng dành cho bố mẹ anh ra sao thì tình cảm phụ nữ dành cho bố mẹ mình chắc chắn chẳng hề kém hơn.
Lấy chồng, phụ nữ đã phải rời xa ngôi nhà quen thuộc và vòng tay thân yêu của cha mẹ để làm vợ, làm dâu nhà người. Những lúc trái gió trở trời, mỗi khi cha mẹ ốm đau không thể về kịp hoặc ở lâu bên cạnh đã là nỗi dằn vặt trong lòng mỗi đứa con. Nếu còn bắt cô ấy phải cắt đứt gần như hoàn toàn với đấng sinh thành thì khác gì ép cô ấy phải ly hôn.
Giống như Nga đã nói, đối với phụ nữ, bỏ chồng này có thể lấy chồng mới nhưng bố mẹ là duy nhất trên đời. Nếu đàn ông không muốn dồn vợ đến bước đường cùng, thì đừng bao giờ cấm cản họ báo hiếu cha mẹ!