THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:06

Chống dịch phải thực chất, không hình thức, phô trương

Chống dịch phải thực chất, tuyệt đối không hình thức, phô trương - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5

Sẵn sàng đối phó với nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên xem xét tại phiên họp, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường khi xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương.

Về nội dung này, Chính phủ thống nhất nhận định, thời gian qua, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thường xuyên chỉ đạo quyết liệt; cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời; nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp đã được triển khai hiệu quả; đến nay, dịch bệnh vẫn cơ bản trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp và kéo dài; chưa một quốc gia, tổ chức hay các nhân nào có thể khẳng định thời điểm kết thúc. Do đó, đại dịch này vẫn đang là mối đe dọa lớn, nếu không kiểm soát tốt, dịch có thể cuốn trôi mọi thành quả chúng ta đã đạt được trong hơn 1 năm qua. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hiện nay là phòng, chống dịch Covid-19 một cách triệt để, hiệu quả, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo đảm cuộc sống an toàn, ổn định cho nhân dân; nỗ lực giữ vững những thành quả đã đạt được, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hoảng hốt; phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và triển khai các giải pháp phòng chống Covid-19 tốt hơn, phù hợp hơn với diễn biến dịch bệnh… Chống dịch phải thực chất, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương. Thực hiện nghiêm quan điểm "chống dịch như chống giặc", đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trên hết.

Tiếp tục nêu cao ý thức và trách nhiệm trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không bao che, nể nang; xử lý nghiêm, không có ngoại lệ đối với các trường hợp vi phạm gây lây nhiễm dịch bệnh; các hành vi nhập cảnh trái phép, không tuân thủ quy định về cách ly y tế có thể bị xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Thực hiện nghiêm cách ly y tế, nhất là đối với người nhập cảnh. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về phòng chống dịch và xử lý hậu quả cũng như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Giao Bộ Y tế chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương có phương án bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân theo các kịch bản, phương án ứng phó và tình huống diễn biến của dịch bệnh. Chủ động, tích cực tiếp cận nhiều nguồn vaccine và công nghệ xét nghiệm nhanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm số vaccine hiện đang có, bảo đảm an toàn và không để vaccine quá hạn; công khai việc tiêm vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát.

Chính phủ đồng ý với việc công dân Việt Nam từ các nước láng giềng về nước bằng đường bộ khi thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly y tế (bao gồm chi phí: đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đến cơ sở cách ly y tế tập trung; xét nghiệm sàng lọc; phục vụ sinh hoạt; tiền ăn, ở) tại các cơ sở cách ly bắt buộc. Đồng thời cũng nhất trí giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện.

Chống dịch phải thực chất, tuyệt đối không hình thức, phô trương - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 diễn ra vào chiều 5/5

 Kinh tế-xã hội tiếp tục phục hồi tích cực

Chính phủ đánh giá, kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả.

Từ phân tích thẳng thắn, sâu sắc thực trạng tình hình, những khó khăn, thách thức, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các Nghị quyết số 01, 02 ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 45 ngày 16/4/2021 và các nghị quyết khác của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Kiên định thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung nghiên cứu, rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại Phiên họp Chính phủ ngày 15/4, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động.

Bổ sung các chính sách phù hợp cho những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đây là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; là ngày hội của toàn dân. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kịp thời cấp phát kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19; triển khai hiệu quả công tác thông tin truyền thông về bầu cử, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dịp bầu cử.

Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, sớm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và đề xuất biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hiệu quả, thiết thực. Phải xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ và thảo luận, công bố công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí này. Bổ sung các chính sách phù hợp cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội. 

 Về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chương trình này là rất quan trọng. Việc xây dựng Chương trình hành động phải theo hướng "bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo" để triển khai đồng bộ, toàn diện, có lộ trình phù hợp, lựa chọn ưu tiên để thực hiện. Chương trình hành động phải linh hoạt, khả thi, thiết thực, hiệu quả, phải dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, với tinh thần "càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số".

Huyền Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh