Chọn miến sạch để ăn Tết: Chuyên gia đưa ra các tiêu chí hàng đầu để món ăn vừa sạch vừa ngon
- Y học 360
- 06:48 - 11/01/2020
Ăn phải miến bẩn, hậu quả khó lường ngay đầu năm mới
Cứ vào thời điểm hiện tại mỗi năm, gia đình nào cũng nô nức sắm sửa thực phẩm, bánh kẹo cho cả gia đình đón Tết. Trong đó, đáng nói là những loại thực phẩm dạng khô sẽ được mua dự trữ ngay từ bây giờ để mâm cơm Tết cổ truyền luôn được đủ đầy, tránh thiếu món ăn. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, việc mua thực phẩm khô ngay từ bây giờ giúp bạn lựa chọn cẩn thận hơn. Trong đó không thể không kể đến miến khô – thực phẩm luôn phải có trên mâm cơm Tết cổ truyền nhưng rất dễ bị làm bẩn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, tình trạng miến bẩn xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, dẫn đến nhiều nơi sử dụng chất màu mà chỉ được phép sử dụng trong các công nghiệp khác, không liên quan đến thực phẩm như in, dệt, làm sơn… Người ta sử dụng để nhuộm thực phẩm, trong đó có nhuộm miến để miến có màu sắc đẹp hơn rất nhiều.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại miến, miến trắng trong, miến vàng ruộm, miến xám… Người tiêu dùng thường chọn mua miến có màu vàng ruộm hoặc hơi xám vì họ cho rằng như thế mới là miến mộc (không tẩy). Nhưng chúng ta không hay biết rằng đây là nhận định hết sức sai lầm. Vì đằng sau đó rất có thể bạn sẽ ăn phải miến được nhuộm bằng hóa chất độc hại, hóa chất cấm trong công nghiệp thực phẩm. Nếu tiêu thụ miến nhuộm hóa chất cấm, bạn sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, gặp các vấn đề tiêu hóa, về lâu dài sẽ tích tụ trong cơ thể, gây nên các bệnh mãn tính, nhất là ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, điều đáng lo ngại nhất là việc sử dụng chất màu vàng để cho vào miến cho đẹp, trong khi chất này không kiểm soát được. Miến có màu vàng có khả năng được cho bột sắt vào, nguy hiểm hơn cả miến có màu trắng đục. Tất nhiên là khi được tinh chế tinh khiết thì bột sắt không độc hại, vẫn được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Điều chuyên gia bày tỏ lo ngại là có một nhóm ô xít sắt được tinh chế ở mức độ rất thấp – nhóm này hoàn toàn bị cấm trong làm bột màu thực phẩm mà chỉ được sử dụng làm vật liệu xây dựng như sơn chống rỉ, gạch men…
"Nếu sử dụng bột sắt có độ tinh khiết thấp để nhuộm miến thì chúng ta còn có nguy cơ bị nhiễm độc kim loại như chì, thủy ngân hoặc nhiều tạp chất độc hại khác. Những chất độc này rất khó kiểm soát và gây hại cho người sử dụng, gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh…", chuyên gia nhấn mạnh.
Vậy, làm sao để chọn miến sạch, miến ngon cho cả nhà dịp Tết Nguyên Đán?
Theo chuyên gia, do rất khó phân biệt miến bẩn bằng mùi vị nên cần chú ý các tiêu chí sau:
- Nếu thấy những loại miến bóng đẹp quá mức bình thường thì không nên mua.
- Khi chế biến nên rửa sạch miến vài nước hoặc qua nước muối loãng. Điều này sẽ giúp các thành phần hóa chất, chất bảo quản phân hủy, giảm nguy cơ độc hại.
- Khi mua cũng cần chọn những loại miến có cơ sản xuất có uy tín, có tên, địa chỉ cụ thể.
- Hình dạng bên ngoài của miến: Miến sạch có độ trong, quánh, thơm và sạch. Các sợi miến nhỏ, độ dài đều nhau, suôn thẳng. Trong khi đó, miến bẩn thường vụn nát, khô giòn, các sợ miến không đều và hay dính vào nhau.
- Độ dai của miến: Miến sạch thường dai sợi, nấu lên để lâu cũng không bị nát. Trong khi đó, miến bẩn có chứa hóa chất thì hoàn toàn ngược lại, khi nấu lên sẽ nhanh nhũn, không dai, để lâu sợi sẽ bết lại.
- Màu sắc của miến: Miến sạch, không bị tẩy hóa chất thường có màu trắng đục hoặc xám đen. Không nên mua những loại miến có màu sắc bắt mắt, vàng óng hay trắng tinh.
- Mùi vị của miến: Miến sạch giữ được hương vị đặc trưng từ dong riềng hay sắn, khoai tây và không bị sạn. Trong khi đó miến bẩn lại đánh mất đi mùi vị đặc trưng, thậm chí có mùi hôi khó chịu và có nhiều sạn.
Xem thêm những bài về Tết Nguyên Đán tại đây