Cho dân biết tình trạng sức khỏe quan chức là bình thường
- Tây Y
- 13:46 - 27/07/2015
Mới đây Bộ Tư pháp đưa ra Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin với mục đích đảm bảo hơn về quyền tiếp cận thông tin của người dân. Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với GS, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai. Ảnh: Hoàng Hường
Đặc quyền tạo ra môi trường trục lợi
Nhà báo Hoàng Hường: Tại sao chúng ta lại đề cập tới quyền tiếp cận thông tin tại thời điểm này, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Đúng ra phải làm sớm hơn, chúng ta muốn đi vào xã hội văn minh tiến bộ hơn, toàn cầu hóa, thì Luật thông tin phải đầy đủ hơn để đề cao năng lực và quyền của người công dân. Chế độ của ta nhấn mạnh vai trò của Nhà nước. Ngày xưa quan lại chỉ thích cho ra từng thông tin tí một, có lợi cho mình. Sự đặc quyền đó tạo ra một xã hội lộn xộn, dễ tạo môi trường lợi dụng quyền lực để nhỏ giọt, buôn bán thông tin kiếm lợi.
Ý ông là sự lợi dụng chiếm hữu thông tin để phục vụ lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân? Nó thể hiện như thế nào? gây ra những tác động như thế nào cho xã hội?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Có thể nhìn thấy rõ nhất là vấn đề quy hoạch đô thị. Thông tin quy hoạch hiếm khi công khai đầy đủ, thường chỉ một nhóm biết, và họ làm điên đảo xã hội, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến đất đai.
Những trường hợp như vụ gian lận thi cử Đồi Ngô, vụ đánh hội đồng bạn ở trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh)…, học sinh quay clip bị kỷ luật thể hiện điều gì? Những người có trách nhiệm chưa tự tin, chưa biết cách đối diện khủng hoảng truyền thông… hay điều gì khác?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Khi nói đến Nhà nước là nói cả hệ thống cầm quyền và người dân, vì không có dân thì Nhà nước vô nghĩa. Các định nghĩa Nhà nước đều như vậy. Nhà nước, trong đó có dân, phải luôn biết tôn trọng những cái gì mà dân đóng góp.
Cần triết lý mới trong quan hệ Dân và Nhà nước
Sự nở rộ Internet và mạng xã hội cho phép mọi người sử dụng đưa những thông tin trực tiếp tới công chúng. Nhưng có vẻ như chúng ta vẫn chưa chấp nhận thực tế, chưa có một sự ứng xử tương xứng với sự phát triển đó?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Thật ra thì tư duy ấy đã bắt đầu có chút thay đổi. Mấy ngày trước chính quyền Hải Dương tuyên bố và báo cáo cấp trên là “không có chuyện ấy”. Nhưng mà bây giờ họ phải ra lệnh điều tra. Đó là tiến bộ, dù không phải là một tiến bộ có ý thức.
Cụ thể người có chức trách nên ý thức, hoặc thay đổi thế nào, theo ông?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Trong một phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói “không thể cấm đưa thông tin lên mạng xã hội” mà phải ứng xử bằng cách đưa thông tin chính xác, kịp thời. Đấy chính là nhận thức mới và đúng đắn trong chính quyền.
Vụ 'máy xúc Hải Dương' nên là trường hợp điển hình về công tác truyền thông giữa chính quyền và người dân. Ảnh: Giang Chinh
Chia sẻ với dân, cả hai bên được lợi
Có một thực tế: những vấn đề quốc tế dân sinh mà người dân cần phải biết lại thành “kín kín hở hở”. Trong khi xã hội đổ xô vào bàn tán, bươi móc những vụ thảm sát, tư thế ngủ của hoa hậu trên ghế máy bay… Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã phả lên tiếng. Theo ông đâu là vấn đề, giải quyết ra sao?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Theo tôi trước hết chúng ta phải theo tư duy phức hợp, dựa vào rất nhiều mặt; nhưng biết lựa ra những yếu tố chính để điều chỉnh. Tôi lấy một ví dụ, ở các nước phương Tây, trước một hành động, một hành vi của người cầm quyền đều được đưa ra mổ xẻ bình luận. Người dân có thể phê bình hay ủng hộ. Những người có chức trách do đó cũng học được những bài học và họ tự điều chỉnh các phương thức điều hành xã hội cho phù hợp.
Có lần tôi trao đổi với ông Nguyễn Minh Triết khi ông đang là Bí thư thành ủy của TP.HCM “Hàng tháng, hàng quý, anh nên mời gọi những trí thức trẻ 30, 40 ở TP Hồ Chí Minh đến và anh chia sẻ với họ những vấn đề của đất nước, của thành phố. Họ sẽ trình bày với anh theo nhiều cách thức khác nhau. Cả anh và họ sẽ có hai cái lợi: Một, mình nhận được thông tin ý kiến mới; hai, những người trẻ ấy sẽ sớm trưởng thành vì họ được va chạm, không chỉ là vấn đề chuyên môn riêng của họ mà họ có thể va chạm được những vấn đề của xã hội, của thành phố, của đất nước. Thệ hệ họ sẽ trưởng thành”.
Đấy chính là chia sẻ thông tin với dân. Giống như chỉ còn 6 tháng nữa là Đại hội Đảng diễn ra, không còn là việc riêng của ai vì đã được ghi trong điều 4 Hiến pháp, đã ở tầm dân tộc, tầm quốc gia, phải là vấn đề người dân được biết và đồng hành.
Khi chúng ta nói đến cải tiến xã hội, cải cách tư duy, ta cũng nói làm thế nào để có một thể chế mạnh mẽ, và có những con người có tư duy cởi mở, vững vàng.
Gần đây trên mạng lưu truyền bài diễn văn của một cô bé 17 tuổi của Trung Quốc, đang trở thành thời sự. “Tổ quốc tôi ông là ai?”. Quá hay! Họ đã đào tạo ra được những cá nhân trẻ có tư duy độc lập, mạnh mẽ, sắc sảo như vậy. Nếu mình cũng làm được việc tôn vinh những cá nhân như vậy thì thế hệ trẻ sẽ trưởng thành và họ sẽ tác động mạnh mẽ vào tiến trình phát triển xã hội. Lớp trẻ cấp tiến sẽ lan tỏa trí tuệ và tâm hồn của họ.
Càng cởi mở, càng bớt sự đồn thổi
Chúng ta thường đề cập đến tự do ngôn luận như cách thông tin được chia sẻ nhiều chiều giúp ta có các góc nhìn và quyết định sáng suốt hơn. Theo ông, tự do ngôn luận, hay tự do thông tin nên thế nào thì tốt nhất cho sự tiến bộ của đất nước?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Tôi nhớ những năm 1977, miền Bắc có nhiều người đi xe Honda, nhưng người ta thấy thế là tốn xăng, bởi vì anh có bán xăng cho người ta đâu, phải mua theo suất. Tôi có một cái xe máy mà khốn khổ đi kiếm xăng vì chỉ được cung cấp một phiếu mấy lít làm sao đủ được.
Thế là chỉ thị “cấm những người dưới cán sự bốn (cán sự bốn là được 64 đồng), đi xe máy”. Dở cười dở khóc! Sau này lại có những quy định dở cười dở mếu khác như xe đi ngày chẵn, ngày lẻ, ngực lép… Nếu công dân được chia sẻ/trao đổi thông tin đầy đủ, họ sẽ hỗ trợ rất tốt cho Chính phủ. Những chính sách “trên trời” như vậy sẽ bớt đi. Mặt khác, chính quyền được lợi khi thông tin đưa ra chính thống, chính xác và có chất lượng hơn.
Chắc ông đã biết về vụ nhiễu loạn thông tin về sức khỏe của các quan chức cấp cao. Từ trường hợp cụ thể này, ông có thể nói gì về việc minh bạch và chủ động cung cấp thông tin?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Ở các nước, tình hình sức khỏe của quan chức cao cấp thường được dư luận xã hội quan tâm. Đây là tình trạng lành mạnh của xã hội khác với trước đây, dù một ông bị bệnh làm lãnh đạo cũng chẳng ai biết, chẳng ai quan tâm. Xã hội văn minh tiên tiến không như vậy.
Cho dân biết tình trạng sức khỏe thật của quan chức cao cấp là việc bình thường, càng cởi mở, càng bớt sự đồn thổi.
Nhưng mặt khác, thông tin cũng có thể làm lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng; trật tự xã hội rối loạn?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Minh bạch thông tin có thể ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích, còn lợi ích quốc gia thì phải có Luật.
Bản thân thông tin cần đối diện với văn hóa, văn minh; dùng những biện pháp văn minh để ứng phó với cái xấu trong thông tin, nhưng đừng biến thông tin ấy thành đặc quyền, đặc lợi cho riêng bản thân người nào, nhóm nào.
Giống như chuyện tranh cử Tổng thống ở phương Tây, các phe thoải mái đấu nhau. Nhưng khi anh lên làm Tổng thống rồi anh không thể không nói câu “Bây giờ tôi là người của toàn dân tộc. Tôi không chỉ phục vụ nhóm đã bỏ phiếu cho tôi; tôi còn phục vụ các nhóm từng không ủng hộ, không bỏ phiếu, tôi phải làm như vậy!”
Đấy là vấn đề của chúng ta hiện nay, phải nâng mình lên, trân trọng và dung nạp giá trị của các nhóm công dân khác nhau vì sự hài hòa trong xã hội.
Hiểu nhau hơn chúng ta dễ thông cảm và bao dung hơn, vận hành một xã hội trơn chu hơn, ý ông là vậy?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Tôi chứng kiến câu chuyện thế này: trong một tranh chấp dân sự cấp địa phương; người dân không tìm được sự đồng thuận. Trước khi đưa nhau ra tòa, họ mời một hòa thượng có hiểu biết về giáo lý đến phân xử, và nói chuyện thế nào là “sắc”, thế nào là “không”.
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của toàn dân. Thông tin phải đem lại văn hóa, văn minh, lòng nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau và cũng biết thế nào là quyền là hạn của người dân và của nhà cầm quyền.