THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:01

Chính phủ trách nhiệm, vì người dân, doanh nghiệp

Từ sứ mệnh mới...

Ngày 11/8/2021, Chính phủ khóa XV họp Phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Phiên họp. Với vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, hơn 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi nhiệm kỳ Chính phủ đều có sứ mệnh và dấu ấn quan trọng trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại Phiên họp đầu tiên đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Hôm nay, với sự có mặt của đồng chí Tổng Bí thư và đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại trụ sở Chính phủ, bên cạnh Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên, cũng là phiên họp lịch sử, với quyết tâm xây dựng Chính phủ “Đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”.

Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ và điều hành công tác năm 2021 trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thuận lợi, cơ hội, đồng thời cũng đầy thách thức, khó khăn. Đặc biệt, lại rơi vào thời điểm đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và gây những hậu quả nghiêm trọng ở Việt Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam, trong khoảng thời gian từ 29/4 đến hết tháng 9/2021. Thực trạng này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, rất cần những quyết sách kịp thời của Chính phủ để giúp người dân vững tin vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế.

Những quyết sách hữu hiệu, đột phá

Trong bối cảnh đại dịch, để đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đồng thời thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với nhiều quyết định cụ thể đã tập trung về 3 nhóm vấn đề: (1) Nhóm vấn đề về các giải pháp phòng, chống dịch. (2) Nhóm vấn đề về bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. (3) Nhóm vấn đề về phục hồi phát triển kinh tế.

Với 3 nhóm vấn đề, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên Chính phủ đã có những quyết sách mang tính “đột phá” trong quyết định, tổ chức triển khai chính sách, đặc biệt là nhóm vấn đề an sinh xã hội. Những quyết sách “đột phá” đã có sự lan tỏa và hiệu quả thực hiện, đó là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, tức là sau gần 3 tháng Quốc hội khóa XIV bầu Thủ tướng Chính phủ mới và trước 40 ngày, Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ, tại thời điểm ra Nghị quyết này. Có thể nói, lần đầu tiên, một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ không cần thủ tục phức tạp, rườm rà, bỏ cơ chế “xin - cho”. Đó là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ, BNN). Người sử dụng lao động (SDLĐ) được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN; người SDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng chống dịch, thăm hỏi, động viên người dân trong vùng cách ly phong tỏa, ở TP. Thủ Đức, TPHCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng chống dịch, thăm hỏi, động viên người dân trong vùng cách ly phong tỏa, ở TP. Thủ Đức, TPHCM

Thực hiện Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, tức là ngay trong ngày UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, đồng thời sau khi Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ 45 ngày, chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hỗ trợ được lấy từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020, số tiền hỗ trợ vào khoảng 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Theo đó, nhiều đối tượng được giúp đỡ kịp thời đảm bảo cuộc sống cơ bản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; thủ tục hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ được thực hiện đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Để triển khai các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời, hiệu quả, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc BHXH Việt Nam, các địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một cách nhanh nhất, chủ động, phục vụ doanh nghiệp. Qua đó, trong một thời gian rất ngắn, hàng triệu NLĐ, doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ từ chính sách này mà không có phát sinh các thủ tục phức tạp.

Đặc biệt, với sự quyết đoán, quyết liệt và khoa học, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/10/2021, tạo ra bước ngoặt, mở được “cửa thoát hiểm” giữa lúc tưởng như bế tắc của các chuỗi cung ứng hàng hóa và lao động, với quyết sách quan trọng trong phòng, chống dịch là chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo ra môi trường “bình thường mới”.

Hy vọng tương lai sẽ bừng sáng, mọi sự đều tốt đẹp

Những đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ, “đột phá” đã để lại dấu ấn sâu đậm, cho thấy một Chính phủ thực sự đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Đây là những tín hiệu rõ ràng, cho chúng ta niềm tin rằng, với các dữ liệu dân cư đã được cập nhật trong đề án Căn cước công dân gắn chip của Bộ Công an và xây dựng Chính phủ số, nền Kinh tế số, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nhiều chương trình, đề án khác của Chính phủ sẽ có nhiều chính sách đổi mới, đột phá về tư duy quyết định, triển khai và quản trị mà ở đó người dân, doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục hành chính rườm ra, bỏ hẳn cơ chế “xin - cho”, thực sự vì người dân, phục vụ nhân dân và làm lợi cho nhân dân.

Không thể đón chào năm mới 2022 trong không khí nô nức, phấn khởi, lễ hội tưng bừng, vì vẫn còn đó nỗi đau từ hậu quả dịch Covid-19, với nhiều mất mát về tính mạng, sức khỏe của đồng bào cả nước và những thiệt hại không thể lượng hóa hết về kinh tế - xã hội, nhưng chúng ta có quyền mừng vì một năm khó khăn đã qua và hy vọng năm 2022 này sẽ bừng sáng, mọi sự đều tốt đẹp hơn.

TS.Nguyễn Anh Thơ - Q.Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh