THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Chính phủ Pháp thông qua Luật Lao động gây tranh cãi

 

Thủ tướng Pháp, Manuel Valls thông báo chính phủ sẽ sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ Năm nước Pháp để thông qua dự thảo Luật Lao động mới (Luật El-Khomri) mà không cần phải trải qua cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Pháp, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 17/5 tới.

chinh phu phap thong qua luat lao dong gay tranh cai hinh 0
Thủ tướng Pháp, Manuel Valls. (Ảnh: Reuters)

 “Ngoại lệ” Hiến pháp

Điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều khoản này được coi là một “ngoại lệ” hiến pháp nhằm tránh tình trạng bị đóng băng của một dự thảo Luật khi có tranh chấp giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp.

Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện dẫn đến điều 49.3 thì Quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.

Chính vì thế, ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Manuel Valls, các đảng đối lập trên chính trường Pháp là đảng Những người cộng hòa (LR) và đảng trung hữu Liên minh dân chủ tự do (UDI) đã yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls. Ngoài ra, phe chống đối trong cánh tả cũng tuyên bố sẽ tham gia bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Để bảo vệ cho quyết định của mình, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh, chính phủ Pháp dùng đến điều 49.3 của Hiến pháp là vì “phải tiến lên phía trước, vượt qua các vật cản để tránh việc phải từ bỏ một dự thảo luật đầy tham vọng và hợp lý”. Ngoài ra, ông Valls cũng cho rằng chính phủ đã sửa đổi đến 469 điều trong dự thảo Luật Lao động mới theo yêu cầu của các tổ chức xã hội nên việc phản đối luật này chỉ đến từ các nhóm thiểu số.

Không phải lần đầu tiên

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls viện dẫn đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự thảo luật gây tranh cãi. Từ khi lên làm Thủ tướng, ông Valls đã 4 lần dùng đến điều 49.3 và lần gần nhất chính là để thông qua Luật Macron về các cải cách kinh tế và hoạt động thương mại.

chinh phu phap thong qua luat lao dong gay tranh cai hinh 1
Người lao động tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Pháp phản đối Chính phủ Pháp thông qua Luật Lao động. (Ảnh: Getty)

 

Nhìn rộng hơn, điều khoản 49.3 cũng không hề xa lạ trong các chính quyền tiền nhiệm tại Pháp. Kể từ năm 1958, đã có tổng cộng 84 lần điều khoản 49.3 được các đời chính phủ Pháp sử dụng nhằm thông qua các dự thảo Luật mà không cần đến ý kiến của Quốc hội.

Theo các nhà phân tích chính trị Pháp, việc sử dụng điều 49.3 luôn là một biểu hiện sức mạnh của một chính phủ bởi khi đó, chính phủ sẽ gạt qua một bên mọi ý kiến phản đối từ nhánh lập pháp là Quốc hội.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chính quyền của Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Valls buộc phải dùng đến 49.3 bởi không thể chấp nhận sức ép và từ bỏ dự thảo Luật lao động El-Khomri. Một hành động như thế được coi là một thảm họa chính trị và là một sự tự sát của chính quyền ông Hollande ở thời điểm chỉ còn 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017.

Tuy nhiên, mặt trái của “ngoại lệ” này là tính phi dân chủ bởi các chính phủ sẽ có xu hướng sử dụng điều khoản này nhiều hơn nhằm dập tắt các ý kiến phản biện và chống đối nếu cảm thấy nguy cơ bị bất tín nhiệm không lớn.

Chính vì lí do đó, ngay sau khi tuyên bố sẽ dùng đến điều 49.3 để thông qua Luật lao động, Thủ tướng Manuel Valls đã kêu gọi đảng Xã hội và các đảng cánh tả đoàn kết nhằm chống lại các nghị sĩ chống đối trong chính nội bộ cánh tả. Các nghị sỹ này chính là ẩn số nhiều rủi ro nhất với chính phủ Pháp bởi nếu không khống chế được số nghị sĩ bất đồng chính kiến này, chính phủ Pháp có thể phải đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm.

Lo ngại tác động xã hội

Tuy nhiên, giới quan sát chính trị Pháp lo ngại nhiều hơn đến tác động xã hội sau tuyên bố của Thủ tướng Valls. Với việc áp dụng điều 49.3 của Hiến pháp, các tranh luận về Luật lao động trong Quốc hội sẽ lập tức chấm dứt và theo đúng quy định, Luật lao động mới sẽ có hiệu lực 24 tiếng sau khi chính phủ áp dụng luật 49.3 để thông qua, tức ngay trong ngày hôm nay (11/5).

chinh phu phap thong qua luat lao dong gay tranh cai hinh 2
Người biểu tình phản đối Luật lao động mới ở Toulouse. (Ảnh: Getty)

Sự việc này khiến các công đoàn lao động Pháp sục sôi và ngay lập tức, 7 liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp đã đưa ra lời kêu gọi tổng bãi công và biểu tình trên toàn quốc trong các ngày 17/5 và 19/5.

Từ khi dự thảo Luật lao động El-Khomri được đưa ra đến nay, đã có 4 cuộc biểu tình lớn trên toàn nước Pháp nhằm phản đối và gây sức ép buộc chính phủ Pháp rút lại dự thảo này. Các cuộc biểu tình diễn biến ngày càng phức tạp và đã xảy ra nhiều cuộc bạo loạn, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Vì thế, nhiều người lo ngại rằng, khi chính phủ bất chấp phản đối để thông qua Luật bằng điều 49.3 thì nguy cơ bạo lực gia tăng trong các cuộc biểu tình ngày càng lớn hơn./.

theo vov

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh