CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:48

Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021: Liêm chính, phục vụ

Kiện toàn xong nhân sự cấp cao

Trước đó ngày 28/7, QH phê chuẩn thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, gồm 5 Phó Thủ tướng, 17 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tỷ lệ tán thành cao. Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhiệm kỳ QH khoá XIII, tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhiệm kỳ QH khoá XIV.

Cơ cấu Chính phủ khoá XIV giữ nguyên số lượng 27 người như khoá XIII. Trong đó, có 6 Ủy viên Bộ Chính trị, gồm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ XIV có một vị trí thay đổi so với nhiệm kỳ XIII (kiện toàn từ tháng 4/2016) là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Và có một nhân sự không phải Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và cũng là thành viên nữ duy nhất.

Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn các thành viên Chính phủ.

Chính phủ nhiệm kỳ khoá XIV có độ tuổi trung bình 56,11 tuổi. Cao tuổi nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (62 tuổi); trẻ tuổi nhất là ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (46 tuổi). Đa số thành viên còn lại thuộc nhóm tuổi 50. Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm các vị nói trên, có hiệu lực thi hành ngay sau khi thông qua.

Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là rất nặng nề. Trong đó, vấn đề nợ công, ngân sách quốc gia, bộ máy nhà nước cồng kềnh là những vấn đề khó. Với lời tuyên thệ và bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước kỳ vọng vào bộ máy Chính phủ, QH và Nhà nước sau khi được kiện toàn, sẽ là nhân tố mới góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Xây dựng nền hành chính kỷ cương, liêm chính

Ngay sau Lễ tuyên thệ nhậm chức, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016,  kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%. Tín dụng tăng 8,16%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu 1,54 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%; vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1%; vốn ODA ký kết mới tăng 61%. GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%). Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%.

Đáng chú ý, hỗ trợ nhà ở cho trên 15.000 gia đình người có công, nâng tổng số lên trên 80.000 gia đình. Tạo việc làm cho 762.000 người. Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 5,4%, bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối; mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng với 22 bệnh viện hạt nhân và 98 bệnh viện vệ tinh ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, đạt 78,6% (cuối năm 2015 là 75%), đã kết nối mạng 14.000 cơ sở y tế toàn quốc....

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho thời gian tới. Một trong những mặt còn tồn tại được người đứng đầu Chính phủ khoá mới chỉ ra là cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính. Đó là tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh