THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát

 

Quyết tâm tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm và giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng còn lại trong năm, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 không tăng mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước hai tại 14 tỉnh, thành phố. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn 4,2% của quý I. Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh , vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.

 

Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5


Qua phân tích, đánh giá kết quả tháng 4 và 4 tháng, các thành viên Chính phủ cho rằng nhiệm vụ của những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Bởi thực hiện được các mục tiêu này thì mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%. Phiên họp hôm nay khẳng định rõ, đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện với nỗ lực cao nhất.

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi, trồng trọt

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong ngày 4/5 Chính phủ đã tập trung thảo luận, tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi; giá thịt lợn nói riêng và giá cả, thị trường các mặt hàng nông sản nói chung. “Như chúng ta đã biết, trong khi giá lợn hơi rất thấp (có lúc chỉ 15.000-18.000 đồng/kg) thì giá thịt lợn tại các thành phố lớn vẫn khá cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Trong đó, khâu giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, thị trường, siêu thị thế nào mà để người chăn nuôi thiệt hại quá lớn. Rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý. Tinh thần là không được để xảy ra những trường hợp tương tự. Các bộ chức năng cần đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Ngành ngân hàng cần rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu’ – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo 

 

Bên cạnh đó, giá cả, thị trường nông sản nói chung là một khâu yếu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục. Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị. Các Bộ cần rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống thông tin giá cả, thị trường… không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay. Chúng ta đang có chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, đây là chủ trương đúng đắn nhưng cần đặc biệt chú ý thị trường tiêu thụ để phát triển hiệu quả, bền vững.

Kịp thời tiếp nhân, giải quyết kiến nghị của người dân

Tại phiên họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cung cấp thêm thông tin về tình hình tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Từ khi Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (ngày 03/4/2017) chính thức đưa vào hoạt động, đến hết ngày 30/4/2017, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận được 637 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xử lý, chiếm 30% so với tổng số phản ánh, kiến nghị đã gửi (637/2.118). Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, gửi các Bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý 149 phản ánh, kiến nghị của người dân. Đối với các phản ánh, kiến nghị còn lại (471 phản ánh, kiến nghị), đang đề nghị người dân bổ sung thông tin làm cơ sở chuyển các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý.

Về việc nhận, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, từ ngày 01/10/2016 (thời điểm công bố Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đến ngày 30/4/2017, Văn phòng Chính phủ đã chuyển 457 phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan liên quan xem xét, xử lý và nhận được 341 văn bản trả lời, đã đăng công khai lên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Riêng tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ đã xử lý, chuyển 102 phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định.

Như vậy, bước đầu đã chứng tỏ đây là cơ chế hiệu quả, thiết thực để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ Nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính vì sự thịnh vượng của đất nước.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh