Chính phủ khóa mới vẫn giữ nguyên 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Tây Y
- 04:16 - 26/07/2016
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm kỳ 2011-2016, ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương triển khai thực hiện việc sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời xây dựng quy chế làm việc của Chính phủ, phân công nhiệm vụ công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình về Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV
Cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục được duy trì, tổ chức hoạt động bộ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như nhiệm kỳ 2007-2011, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Đồng thời thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước rà soát, hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Qua đó, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, bảo đảm giảm tối đa việc chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, thống suốt trong các lĩnh vực và đối tượng quản lý nhà nước.
Chính phủ đã ban hành nghị định khung, trong đó ban hành nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ…
Theo đánh giá của Chính phủ, qua 5 năm hoạt động, cơ cấu bộ máy tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2011- 2016 đã đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, giảm tối đa tình trạng chồng chéo giữa các bộ ngành, các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định: đến nay vẫn còn một số lĩnh vực phân công chưa rõ ràng, công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ do có sự giao thoa trong phân công trách nhiệm ở một số lĩnh vực chưa hợp lý, chưa rõ ràng, dẫn đến khó quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ bám sát chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ngay sau khi nghe các báo cáo, đại biểu thảo luận ở Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Kết quả thảo luận sẽ được Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội vào sáng mai (26/7) trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Ngày mai 26/7, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội xem xét, quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ; thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Buổi chiều, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ và nghe Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ (truyền hình, phát thanh trực tiếp); thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.