THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:09

Chiều cao người Việt vẫn thấp nhất khu vực

 

Bổ sung vi chất dinh dưỡng để trẻ phát triển chiều cao.

 

25,9% trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi

Theo số liệu cuộc điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng được công bố tháng 10/2015, thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độc giảm chậm và vẫn phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 27,8%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% và phụ nữa có thai là 32,8%; tỷ lệ thiếu vitamin A lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,0%...

Phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trong khoảng 6,5 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi, thì có tới gần 1,7 triệu trẻ (25,9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 14,5%. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.

Thực tế cho thấy, dù kinh tế đã có cải thiện đáng kể, bữa ăn hằng ngày đã đầy đủ hơn song tầm vóc người Việt Nam hiện vẫn không cao hơn thế hệ cha, chú. Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 13,1cm; của nữ là 153cm, thấp hơn chuẩn 10,7cm. Trong 35 năm qua, người Việt dù cao thêm 4 cm song hiện vẫn thuộc tốp thấp nhất khu vực châu Á. 

Theo phân tích của các chuyên gia về dinh dưỡng, người Việt Nam thấp bé, yếu thể lực không phải do di truyền. Bằng chứng là việc theo dõi các trẻ em có cha mẹ là người Việt sinh trưởng và lớn lên tại châu Âu, khi trưởng thành đều đạt chiều cao tương đương với người ở nước sở tại. Điều này cho thấy chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, vận động... Vóc dáng của trẻ có thể cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý.

 

Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nguyên nhân chính khiến thể trạng người Việt Nam ngày càng kém dần so với chuẩn của WHO là do khẩu phần ăn của trẻ chưa đáp ứng được với các chỉ số cần thiết để phát triển; mới chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D.

Với chế độ ăn thiếu cả về chất lẫn lượng như vậy dẫn đến thiếu máu, kẽm, canxi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chiều cao, cân nặng và khả năng học tập của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng trong hai năm đầu đời có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển, trí tuệ, sức khỏe, học tập và năng suất lao động của trẻ em trong tương lai.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để tránh tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì cần đẩy mạnh các giải pháp như khuyến khích thực hành dinh dưỡng tối ưu cho trẻ trong 1.000 ngày đầu tiên quan trọng của cuộc đời gồm cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ ăn bổ sung hợp lý và đa dạng hóa bữa ăn và tiếp tục cho trẻ bú mẹ tới hai tuổi. Khi đã cho ăn bổ sung nên chú ý lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng như gan, tiết, thịt bò, đậu đô... giàu sắt hay các thực phẩm giàu kẽm (tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành), các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...).

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng và WHO, phụ nữ có thai nên bổ sung viên sắt và acid folic hàng ngày ngay từ khi phát hiện có thai cho tới sau đẻ 1 tháng để dự phòng nguy cơ thiếu máu.

Dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao.       Ảnh: NST

Trẻ nhóm tuổi từ 6 - 23 tháng có tỷ lệ thiếu đa vi chất cao nhất (sắt, kẽm, vitamin D...) và việc bổ sung đa vi chất có hiệu quả hơn việc bổ sung một vi chất đơn lẻ. Ngoài ra, trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi cần bổ sung vitamin A liều cao theo phác đồ 6 tháng 1 lần. Với trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi thì đây là “giai đoạn vàng” đối với sự phát triển tầm vóc của trẻ nên bên cạnh việc nuôi dưỡng hợp lý, giai đoạn này trẻ vẫn cần được bổ sung những vi chất cần thiết để thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý đến việc tẩy giun, tắm nắng cũng như phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn để phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng của trẻ.

 

Để giải quyết vấn đề dinh dưỡng và cải thiện tầm vóc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030. Đề án gồm 4 chương trình lớn, trong đó có Chương trình số 2 là “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”. Mục tiêu của Đề án là nâng chiều cao của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5 - 3cm, đồng thời phát triển thể lực, tầm vóc người Việt trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh