THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:57

Chiêm bái Phật Ngọc hòa bình thế giới tại Quảng Bình

 

Phật Ngọc hòa bình thế giới là bức tượng lớn nhất được khắc từ khối ngọc bích khổng lồ

 

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Phật ngọc hòa bình thế giới là bức tượng lớn nhất được khắc từ khối ngọc bích chất lượng cao ở miền Bắc Canada, tượng được chạm khắc tại Thái Lan theo mô hình Tượng Phật Thích Ca đang được tôn thờ bên trong Bảo Tháp Đại Giác Ngộ (Mahabodhi Stupa) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Phật ngọc cao 2,7m, nặng trên 4 tấn được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao khoảng 1,4m, tổng cộng trọng lượng của tượng Phật ngọc sau khi lắp đặt xong nặng gần 8 tấn. Kích thước và vẻ đẹp của Phật ngọc được xem là một tuyệt tác vĩ đại và trang nghiêm nhất trên thế giới hiện nay.

 Ban Tổ chức Phật ngọc hòa bình thế giới đã có văn bản gửi đến Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hợp tác cung thỉnh Phật ngọc hòa bình thế giới vào Việt Nam năm 2016, mục đích của Ban Tổ chức đưa Phật ngọc về các chùa Việt Nam để cầu hòa bình cho đất nước, mưa thuận gió hòa. “Đây là lần thứ 2 tượng Phật ngọc hòa bình thế giới đến Việt Nam (lần thứ nhất vào năm 2009) và là lần đầu tiên, chùa Hoằng Phúc - Di tích lịch sử Quốc gia, tỉnh Quảng Bình được Ban Tổ chức Phật ngọc đưa vào danh sách những nơi được cung thỉnh tượng Phật ngọc hòa bình thế giới năm 2016, tạo cơ hội để nhân dân, tín đồ Phật tử trong tỉnh và du khách gần xa có dịp đến chiêm bái bức tượng quý này. Có thể nói đây là một duyên lành khi Phật Ngọc hòa bình thế giới được tôn trí ở Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng để đồng bào và phật tử được chiêm bái, cũng như nhận được nguồn năng lượng dồi dào của Phật Ngọc hòa bình thế giới, đem lại sự may mắn, tâm bình an và mọi điều tốt lành nhất…” – Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.


Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

 

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, chùa Hoằng Phúc là ngôi quốc tự cổ xưa nhất miền Trung, ngôi chùa gắn với cuộc đời hoằng Pháp của Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông tính đến nay đã gần 1000 năm. Khởi nguồn là am Tri Kiến, còn được biết đến là chùa Kính Thiên nằm bên bờ hữu sông Bình Giang, nay còn gọi là sông Kiến Giang, tọa lạc tại vùng đất thông Tri Kiến, huyện Tri Kiến cổ xưa, nay là thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cách đây đúng 715 năm, vào năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thuyết pháp, truyền giảng giáo lý Phật pháp tại chùa.  Hoằng Phúc Cổ tự - Vô song phúc địa đã trở thành một ngôi quốc tự linh thiêng, mà mãi tới nhiều thế kỷ sau này vào thế kỷ thứ 17 các vị  Chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Chu tiếp tục cho tu bổ, xây dựng công trình chùa nguy nga, trở thành ngôi cổ tự linh địa.


Trong thời gian chiêm bái Phật Ngọc, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đảm bảo an ninh trật tự, giao thông cũng như nơi ăn chốn ở cho du khách. Đặc biệt, mỗi ngày sẽ có khoảng 7000 đến 10.000 hộp cơm trưa phát miễn phí cho khách thập phương. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, địa phương có liên quan của tỉnh khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, các điều kiện đảm bảo an ninh cho du khách, không để xảy ra sơ suất. Đặc biệt không để xảy ra hiện tượng khách thập phương bị “chặt chém”, giá dịch vụ sẽ được niêm yết và đảm bảo công khai. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, mê tín dị đoan trong quá trình cung thỉnh và trưng bày Phật Ngọc tại chùa Hoằng Phúc”.

 

Năm 2009, Phật Ngọc hòa bình thế giới được hoàn thành và mang về tôn trí tại Bảo tháp từ bi, vùng Bendigo nước Úc, Việt Nam được vinh dự lần đầu tiên Phật Ngọc hòa bình thế giới được mang về tôn trí cho phật tử và đông đảo nhân dân chiêm bái vào năm 2009 tại Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Bắc Ninh với hàng triệu lượt người chiêm bái. Sau đó, Phật Ngọc hòa bình thế giới có hành trình tại Mỹ (2010), tại các nước châu Âu (2011), các nước châu Á (2012). 


Huyền Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh