“Chiếc cầu là nơi hò hẹn” của… địa ốc khu Đông
- Tây Y
- 00:09 - 23/10/2018
Thời gian trở lại đây, việc kết nối hạ tầng giao thông phía Đông với trung tâm thành phố ngày càng thuận tiện chính là một trong những yếu tố tác động đến thị trường khu Đông thủ đô. Tới đây, khu vực Long Biên – Gia Lâm sẽ có tổng cộng 6 cây cầu nối với khu vực đô thị lõi Hà Nội, hứa hẹn tạo nên các phát triển đột phá ở khu Đông thủ đô.
Khu vực Long Biên – Gia Lâm sẽ có tổng cộng 6 cây cầu nối với khu vực đô thị lõi Hà Nội, hứa hẹn tạo nên các phát triển đột phá ở khu Đông thủ đô.
Mặt khác, tốc độ phát triển của công nghệ cao ứng dụng trong quy hoạch xây dựng cũng là một trong các yếu tố chính khiến phía Đông có tốc độ thay đổi đột phá trong 3 năm qua.
Theo một mối giới địa ốc: “Tính riêng ở khu Đông thì bất động sản khu Long Biên – Gia Lâm ăn chắc khả năng “lên” mạnh mấy năm nữa. Ở đây có quy hoạch 6 cầu để nối tới trung tâm Hà Nội. Giờ đang có cầu Long Biên, cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thanh Trì, ít năm tới có thêm 2 cầu mới trong quy hoạch là cầu Trần Hưng Đạo và cầu Tứ Liên. Ngoài ra, khu vực này tập trung nhiều trung tâm mua sắm như Vincom Plaza, Savico Mega Mall, Aeon Mall...
Số liệu mới nhất từ báo cáo của Savills Việt Nam mới đây vừa cho thấy thị trường bất động sản tại phía Đông thủ đô đang có nhiều diễn biến sôi động.
Theo đó, kể từ quý IV/2018, một số dự án của các “ông lớn” bất động sản rất được kỳ vọng sẽ triển khai tại khu vực này. Đáng chú ý nhất là dự án đô thị 420ha VinCity Ocean Park của Vingroup đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào ngày 07/06/2018.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội sẽ triển khai một loạt cây cầu nối từ bờ Bắc sang bờ Nam thành phố như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo đã tạo nên sự sôi động của thị trường bất động sản ở các khu vực Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh. Những cây cầu này khi được hoàn thiện sẽ kết nối 3 khu vực trên với các vùng lõi thủ đô, các khu trung tâm thành phố.
Được biết, Hà Nội đã có kế hoạch chú trọng phát triển các đô thị hạt nhân nhằm giãn mật độ dân số đang tăng cao ở trung tâm cũng như đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa các vùng lân cận.
Theo định hướng quy hoạch chung thủ đô, dân số đô thị sẽ tăng từ 30% lên trên 50% vào năm 2025. Những khu vực còn dư địa và tiềm năng để phát triển như Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh đều là những khu vực phù hợp với định hướng phát triển đó. Trong khoảng 5 năm tới, 3 điểm vàng này sẽ được tập trung đầu tư phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, dịch vụ để trở thành trung tâm mới của thủ đô.