Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của phụ nữ hai nước Việt – Lào
- Tây Y
- 23:01 - 24/04/2018
Đoàn Hội LHPN Lào cùng chụp ảnh lưu niệm phụ nữ hai nước
Với những đóng góp to lớn trong việc vun đắp tình láng giềng hữu nghị, thân thiết giữa phụ nữ và nhân dân 2 nước Lào – Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho bà In-La-Văn Kẹo- bun- phăn, Ủy viên Trung ương Đản nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hội LHPN Lào; Trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 3 Phó Chủ tịch Hội LHPN Lào; trao tặng Huân chương Hữu nghị cho 4 cá nhân thuộc Hội LHPN Lào và 8 tập thể là Hội LHPN các tỉnh, thành phố của Lào.
Tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã diễn ra lễ trao tặng Huân chương của 2 Nhà nước cho các tập thể, cá nhân phụ nữ 2 nước Việt Nam – Lào đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa phụ nữ và nhân dân hai nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá: Các hoạt động hợp tác giữa Hội LHPN hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp và hiệu quả hơn. trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác giữa Hội LHPN hai nước không chỉ dừng lại ở những điểm đã nêu trong Thỏa thuận hợp tác mà cần đóng góp nhiều hơn vào hợp tác quốc tế và khu vực trong lao động việc làm, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện bình đẳng giới và Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững.
Đoàn đại biểu Lào tham quan mô hình của Hội LHPN ở Đắk Lắk
Tại Đăk Lăk đã diễn ra cuộc chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp giữa đoàn Lào và Câu lạc bộ Doanh nhân nữ tỉnh Đăk Lăk. Câu lạc bộ Doanh nhân nữ tỉnh Đăk Lăk, đã thành lập Công ty Du lịch sinh thái Văn hóa Cộng đồng Kotam trong 3 năm gần đây, doanh thu của Công ty đạt khoảng 45 tỷ đồng. Số khách trung bình mỗi năm là 240 lượt khách. Chương trình chia sẻ kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các chị em trong đoàn Lào đã tìm hiểu kinh nghiệm để xây dựng doanh nghiệp về làm du lịch cộng đồng, những lợi ích mang lại cho phụ nữ dân tộc tại chỗ.
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk - chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh, đặc biệt từ khi triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” đã được thủ tướng phê duyệt (đề án 939). Theo đó Hội LHPN Đăk Lăk đã tổ chức thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp từ cơ sở và lựa chọn những ý tưởng tốt nhất để kết nối với ngân hàng, biến ý tưởng thành hiện thực. Đầu năm 2017, ban chấp hành Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện chủ đề năm “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”. Điều khó khăn ban đầu là nguồn vốn, do vậy đã vận động và xây dựng “Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” ở từng cấp, đồng thời khai thác nguồn vốn từ cơ chế phối hợp giữa Hội với các ngân hàng. Chỉ trong hơn 1 năm thực hiện các cấp Hội trong tỉnh đã hỗ trợ cho 1.221 hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khỏi sự kinh doanh với số vốn gần 14 tỷ đồng. Nhiều chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công và tiếp tục hỗ trợ cho các chị em khác khởi nghiệp.
Bà In La Văn Kẹo bun phăn và Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh tặng quà
Tại chương trình, các đại biểu Hội LHPN Lào quan tâm và mong muốn được nghe Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần du lịch sinh thái Ko Tam chia sẻ kinh nghiệm. Bà Ngọc Anh chia sẻ: Trước khi kinh doanh bà làm công nhân cho các đồn điền cà phê, tham gia các công tác xã hội. Năm 1992 thấy dân có cà phê thu hoạch nhưng đầu ra khó khăn, để góp phần giải quyết lượng cà phê của nông dân sản xuất, bà bắt đầu kinh doanh cà phê, lúc này bà mượn 5 phân vàng của người bạn vì không có vốn. Có kiến thức về lĩnh vực cà phê từ trước, lại được bà con nông dân ủng hộ nên kinh doanh thuận lợi. Năm 2000 doanh nghiệp của bà là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đi nhiều nước. Năm 2003, bà tham gia vào BCH Hội LHPN tỉnh. Tháng 10/2007 bà là chủ nhiệm câu lạc bộ nữ doanh nghiệp tỉnh. Từ trăn trở gắn kết chị em câu lạc bộ lâu dài và có quyền lợi về sau, bà quyết định làm dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái – văn hóa – cộng đồng Ko Tam, sau 8 tháng khởi công đến tháng 3/2013 đi vào hoạt động, có 23 cổ đông đều là nữ. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, lượng khách tham quan nhiều, doanh thu tăng.
Khu du lịch sinh thái Ko Tam có nhiều công trình thể hiện rõ nét văn hóa Tây Nguyên, công trình nhà sàn dài, bến nước (dân tộc Ê Đê), nhà bảo tàng các vật dụng của các dân tộc Tây Nguyên… giữ được dòng suối đầu nguồn Ko Tam, có các món ẩm thực mang đậm hương vị của người dân tộc bản địa… Nhân viên là những chàng trai cô gái người địa phương với bộ đồ truyền thống của đồng bào dân tộc.