THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:30

Chia sẻ kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người Cao tuổi

78% người cao tuổi biết về Luật Người cao tuổi

Đây là số liệu đánh giá được đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi” do Cục Bảo trợ xã hội tổ chức hôm nay, ngày 31/ 8 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm và bà Astrid Bant - Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam 

Hội thảo nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả sau 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, đồng thời thấy được những khó khăn, hạn chế khi thực hiện, đề ra những giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội và nhóm chuyên gia tư vấn cùng đại diện một số Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố.

Cho đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Người cao tuổi đã được ban hành đầy đủ, bao quát mọi nội dung liên quan đến các vấn đề của người cao tuổi theo thẩm quyền của các ngành, các cấp tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người cao tuổi.

Sau 5 năm, nhận thức về quyền của người cao tuổi và các quy định của Luật người cao tuổi được chuyển biến mạnh mẽ. Theo kết quả khảo sát có tới 78% người cao tuổi và 72% đại diện các hộ gia đình có người cao tuổi biết về Luật Người cao tuổi và các quyền của người cao tuổi cũng như các biện pháp bảo dảm quyền cho người cao tuổi. Nhờ vậy, quyền của người cao tuổi được bảo đảm tương đối tốt. Hơn 90% người cao tuổi được bảo đảm nhu cầu về ăn, mặc, ở; 87,6% được bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, triển khai Luật Người cao tuổi, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, các Bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn nhằm đưa chính sách của Luật đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, các cấp, các ngành đã duy trì sự phối hợp liên ngành trong thực hiện chính sách.

“Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện Báo cáo đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi nhằm phát hiện những bất cập, những vấn đề không phù hợp trong thực hiện chính sách, vấn đề huy động nguồn lực, đời sống an sinh cơ bản của người cao tuổi vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, bộ phận người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số, nhìn nhận vấn đề người cao tuổi ở 2 khía cạnh: An sinh xã hội người cao tuổi; phát huy vai trò người cao tuổi khi chiếm đến 12- 15% dân số”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Trợ cấp xã hội là một trong những giải pháp bảo đảm đời sống vật chất cho người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐ-TB&XH và Hội người cao tuổi, chính sách trợ giúp xã hội đã được thực hiện tương đối tốt. Hàng năm đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 1,5 triệu người cao tuổi kịp thời, đúng đối tượng và minh bạch, góp phần giảm bớt khó khăn cho người cao tuổi.

“Chính sách này đã có tác động tích cực về mặt vật chất, tinh thần (29,4% số người cao tuổi đánh giá ít có giá trị về vật chất nhưng có giá trị về tinh thần, 27,0% người cao tuổi đánh giá vừa có giá trị về vật chất, vừa có giá trị về tinh thần). Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lớp người cao tuổi, nâng cao vai trò, vị thế của người cao tuổi”, bà PGS. TS Bà Lưu Bích Ngọc, báo cáo đánh giá 5 năm cho biết.

Đánh giá về mặt thể chế chính sách, bà Lưu Bích Ngọc cho rằng, mặc dù hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã ban hành tương đối đồng bộ, tuy nhiên một số văn bản chậm được ban hành gây ra những khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Một số chính sách, quy định chưa phù hợp, chế độ thấp. Cụ thể, tuổi hưởng trợ cấp xã hội quy định đủ 80 tuổi quá cao, mức chuẩn trợ giúp xã hội 270 nghìn còn quá thấp; Quy định về miễn giảm phí giao thông, vui chơi giải trí chưa mang tính thực thi cao…

Cần một tầm nhìn, lộ trình về chính sách

Cùng với những thành tựu đạt được cũng có không ít khó khăn phải đối mặt. Tỷ lệ người cao tuổi đến khám, chữa bệnh, được lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ tại y tế tuyến cơ sở còn rất thấp. Nhiều bệnh viện tuyến huyện chưa tổ chức được khoa lão khoa; Người cao tuổi gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các dịch vụ y tế khi ốm đau bệnh tật, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại rất khó khăn, các cơ sở y tế thường thiếu thốn về thiết bị và đội ngũ y, bác sỹ…

Có đến 75% người cao tuổi được khảo sát cho biết đã gặp ít nhất một khó khăn nào đó khi sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Khó khăn được nhiều người cao tuổi nhắc đến nhất là phải chờ đợi lâu (49,5%), đi lại khó khăn (26,4%), thái độ của cán bộ y tế chưa tốt (15,4%), không được hướng dẫn về quy trình, thủ tục (13,3%). Tỷ lệ người cao tuổi ở khu vực thành thị gặp khó khăn khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT cao hơn ở khu vực nông thôn (77,1% so với 58,2%).

Việc chăm sóc đời sống người cao tuổi về vật chất, tinh thần chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở các xã/phường còn khó khăn, phải dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ cấp trên.

Theo PGS. TS Giang Thanh Long, Giám đốc Viện chính sách công và quản lý- NEU: “Về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trên thực tế, nguồn lực của chúng ta chưa đủ để thực hiện được việc đó. Đơn cử như ở các huyện, mỗi huyện chỉ có vài người, khó có thể chăm sóc hết số người cao tuổi ở huyện. Tổng quan Luật người cao tuổi nên có nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian tới. Cùng với đó, vai trò của người cao tuổi trong các báo cáo hơi mờ nhạt. Nhiều người cao tuổi hỏi sao ko khám bệnh, đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau, rồi ngại đi khám vì sợ bệnh…. Trên thực tế công tác khảo sát chưa kiểm tra phía “cầu”. Trong báo cáo phải có thông tin nhiều hơn nữa từ phía thụ hưởng”.

Cũng theo ông Long, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước vẫn nhầm lẫn người cao tuổi bây giờ với người cao tuổi trong tương lai. Nhóm người cao tuổi trong tương lai phải nghiên cứu độ tuổi từ 35- 40 tuổi. Không phải nhìn bức tranh nhóm người cao tuổi bây giờ và “áp” họ lắm bệnh lắm, thiếu tiền chữa bệnh lắm… Vì bối cảnh thời đại và xã hội giữa các thế hệ này là khác nhau. Theo đó, ông Long cho rằng, cần có một tầm nhìn, một lộ trình về chính sách để sát với thực tế.

 Căn cứ vào phân tích thực trạng tình hình, tại Hội thảo,các chuyên gia đưa ra một số giải pháp được đề xuất một cách hệ thống giúp đẩy mạnh thực hiện Luật Người cao tuổi trong giai đoạn tới. Cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thực hiện Luật Người cao tuổi; Nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về trợ giúp và mức trợ giúp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhóm NCT dễ bị tổn thương như người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi là phụ nữ; Tăng cường chính sách huy động cộng đồng tham gia chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi... Cùng với đó, phải huy động nguồn lực. Bảo đảm nguồn lực cho thực hiện Luật, cần ưu tiên nguồn lực cho hoạt động về người cao tuổi.

Có thể nói, Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích của người cao tuổi, và là cơ sở để hình thành chính sách và giải pháp đón đầu với một xã hội già hóa trong tương lai. Sau 5 năm, các quy định của Luật Người cao tuổi đã từng bước đi vào cuộc sống. 

 

Một số kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Luật Người Cao tuổi

-         Mức độ đáp ứng các quyền về kinh tế-xã hội của người cao tuổi chỉ mới đạt 50-60% nhu cầu theo đánh giá của người cao tuổi;

-         Mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ bằng khoảng 38% so với chuẩn nghèo nông thôn và 30% chuẩn nghèo thành thị trong giai đoạn 2016-2020 tới đây;

-         18,6% người cao tuổi được khảo sát chưa đi khám sức khoẻ bao giờ kể từ khi đạt 60 tuổi. Tỷ lệ này ở nông thôn nhiều gấp đôi thành thị (21,4% so với 12,9%);

-         Hơn 10% người cao tuổi được khảo sát không có thẻ bảo hiểm y tế, và tỷ lệ này ở khu vực thành thị lại cao hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 12,5% so với 5,5%);

-         Gần 60%  số người cao tuổi được khảo sát vẫn tiếp tục tham gia các công việc trực tiếp hay gián tiếp tạo ra thu nhập...

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh