Chi viện tối đa cho vùng tâm dịch Đà Nẵng
- Tây Y
- 16:58 - 06/08/2020
Nhanh chóng truy vết, xét nghiệm, cách ly, không để dịch bùng phát trên quy mô lớn
Đà Nẵng đang được coi là tâm điểm của dịch. 10 ngày qua, từ 25/7 đến 4/8, Đà Nẵng đã xác định hơn 8.400 người F1, hơn 6.100 người F2 liên quan đến các ca bệnh. Theo đó, hơn 8.000 người đang phải cách ly y tế và cách ly tập trung; đồng thời ghi nhận 158 ca nhiễm bệnh, có ở khắp 7 quận huyện trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng đang thực hiện quyết liệt, nhanh chóng các công việc xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong toả, dập dịch để giải quyết dịch lây lan trong cộng đồng.
Hiện Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thành Bệnh viện dã chiến với hơn 1.000 giường bệnh tại Cung Thể thao Tiên Sơn, chuẩn bị đưa vào hoạt động trong những ngày tới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ đi vào hoạt động, sẽ nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nếu quá tải.
Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng là 1 trong 3 bệnh viện tại Đà Nẵng đang bị phong tỏa (2 bệnh viện khác là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng). Trao đổi với phóng viên Báo Lao động và Xã hội, BS CKII Đỗ Văn Thành, Giám đốc bệnh viện cho biết, giữa tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 1 bệnh nhân bị gãy xương phải phẫu thuật, sau đó phát hiện người nhà của bệnh nhân này đến chăm nuôi bị nhiễm Covid-19. Và từ ngày 28/7 đến nay, bệnh viện đã bị phong tỏa, hiện 140 cán bộ công nhân viên và 255 bệnh nhân và người nhà đang ở lại bệnh viện. Về công tác phòng chống dịch, hiện tất cả người liên quan đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1; lần 2 mới được xét nghiệm hôm 4/8 và đang chờ kết quả.
"Thời gian đầu mới bị phong tỏa, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Ngoài đội ngũ y bác sĩ vẫn tiếp tục trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, các cán bộ, công nhân viên một số bộ phận (phòng khám, xưởng chỉnh hình và các bộ phận gián tiếp) đều tham gia phục vụ cơm nước cho bệnh nhân và người nhà đang cách ly tại bệnh viện. Bây giờ, mọi thứ đã đi vào nền nếp. Bệnh viện cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH. Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội thường xuyên gọi điện động viên, hỏi thăm tình hình và chỉ đạo Bệnh viện phối hợp với Sở Y tế và UBND thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Chúng tôi cũng hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định, hết thời gian cách ly để bệnh viện sớm hoạt động trở lại", BS Đỗ Văn Thành nói.
Dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng
Những ngày qua, cùng với nỗ lực nhanh chóng khoanh vùng khu vực có ca lây nhiễm, tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cập nhật lịch trình di chuyển của bệnh nhân, sơ tán du khách…, Đà Nẵng liên tục nhận được sự chi viện nhân lực, vật lực từ trung ương và các tỉnh trong cả nước.
Ngay ngày đầu tiên Đà Nẵng có ca bệnh, Bộ Y tế đã khẩn cấp cử 4 đội công tác (giám sát dịch, điều trị, xét nghiệm) vào thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho các cơ sở y tế. Đây là những chuyên gia đầu ngành về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, cách ly, truyền nhiễm đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân nặng 91 - nam phi công người Anh, trong phân lập virus và cách ly, khoanh vùng dập dịch tại Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận...
Ngoài ra, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận Thường trực để tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với địa phương trong việc khẩn trương đáp ứng với tình hình dịch bệnh nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh .
Về điều trị, Bộ Y tế cũng cử những giáo sư, chuyên gia y tế đầu ngành của bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai (hơn 40 chuyên gia và bác sĩ) và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng; tư vấn, hướng dẫn vận chuyển bệnh nhân nặng ra Bệnh viện Trung ương Huế và nhẹ về các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Thực hiện đào tạo, hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ y tế thuộc y tế cơ sở của thành phố.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, hiện Bộ Quốc phòng đã chuyển vào Bệnh viện Quân y 17 (Quân khu 5) hệ thống xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhằm hỗ trợ năng lực xét nghiệm COVID-19 cho thành phố Đà Nẵng. Riêng tại điểm xét nghiệm này, ngay ngày đầu tiên (ngày 3/8) đã thực hiện xét nghiệm gần 1.000 mẫu bệnh phẩm, trong đó một nửa là các đối tượng F1, F2 thuộc các lực lượng của Quân khu 5. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã hỗ trợ các tỉnh Đắc Lắc, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tiến hành phun khử khuẩn trong khu vực phong tỏa. Hiện tại 12 điểm cách ly do các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đảm nhận đang tiến hành cách ly hơn 3.000 người, đều là người về từ nước ngoài trở về và các đối tượng F1, F2.
Mới đây nhất, ngay sau khi nhận được văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị chi viện nhân lực, UBND TP Hải Phòng đã cử 33 nhân viên y tế, trong đó có 8 bác sĩ, 25 điều đưỡng lên đường đến Đà Nẵng. Ngoài chi viện nhân lực, Hải Phòng dành 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố và 400.000 khẩu trang y tế hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam để các địa phương này có thêm nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh Bình Định cũng cử đoàn nhân viên y tế gồm 25 y, bác sĩ, điều dưỡng… Đến thời điểm, hàng ngàn cán bộ y tế từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đã lên đường đến Đà Nẵng với quyết tâm dập dịch ngay trong tháng 8, không để dịch lan rộng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.