Chênh lệch giá vàng thu hẹp, thời điểm thích hợp để mua?
- Tây Y
- 13:13 - 12/04/2015
Sáng 11/4, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 35,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,24 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 35,21 triệu đồng/lượng - 35,24 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.Mức giá này giảm nhẹ mỗi chiều 30.000 đồng/lượng so với phiên mở cửa buổi sáng
Trước đó, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội được giao dịch phổ biến là 35,23 triệu đồng/lượng - 35,27 triệu đồng/lượng tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước.
Tại TPHồ Chí Minh, giá vàng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 20.000 đồng, lên 35,16 triệu đồng/lượng - 35,26 triệu đồng/lượng. Đến 10h20 sáng 11/4 , giá vàng tại đây tăng tiếp lên 35,17 triệu đồng/lượng - 35,27 triệu đồng/lượng.
Với các mức giao dịch trên, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết khá trái chiều ở hai thành phố lớn. Do đó, biên độ mua - bán được các doanh nghiệp để rất khác nhau, có nơi là 40.000 đồng nhưng có nơi lên 100.000 đồng/lượng.
Nên thận trọng khi mua vàng ở thời điểm này
Tuần này, giá vàng trong nước biến động không đáng kể, dao động trong biên độ hẹp, chưa phiên nào giá lên nổi mức 35,4 triệu đồng/lượng. Phiên có mức giá cao nhất trong tuần là hôm thứ 2, đạt 35,35 triệu đồng/lượng, giá thấp nhất được ghi nhận là 35,19 triệu đồng/lượng vào ngày 9/4. Do biến động theo xu hướng đi xuống nên tính chung tuần này, giá vàng giảm gần 100.000 đồng/lượng.
Vì giảm giá nên chênh lệch giữa hai thị trường trong nước và thế giới co hẹp đáng kể. Hiện giá vàng thế giới quy đổi là 31,5 triệu đồng/lượng, đang thấp hơn giá trong nước 3,74 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang đi xuống, chênh lệch trên thị trường cũng co hẹp đáng kể, trên một số trang web của công ty kinh doanh vàng đã xuất hiện lời khuyên nhà đầu tư “tận dụng cơ hội này để mua vào chờ giá lên”. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu thị trường lại cho rằng, nắm giữ vàng thời điểm này khá rủi ro và cơ hội sinh lời không lớn.
Do đó, người dân có dòng tiền nhàn rỗi nên tính toán kỹ xu thế thị trường, đặc biệt là khoảng cách chênh lệch giá vàng “nội” và vàng “ngoại” trước khi “bỏ trứng vào giỏ”. Bởi mức chênh lệch gần 5 triệu/lượng vẫn là mức chênh quá cao, cho thấy, giá trị thực của vàng trong nước bị đội lên so với thế giới.
Trên thị trường thế giới, đêm 10/4, giá vàng tăng khá mạnh. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 13,8 USD, lên 1.207,3 USD/ounce; giá các hợp đồng giao tháng 6 cũng tăng 10,4 USD lên 1.204 USD/ounce. Giá kim loại quý này đi lên nhờ lực mua kỹ thuật của nhà đầu tư. Với lực mua này, giá vượt ngưỡng quan trọng 1.200 USD/ounce.
Giá vàng tăng bất chấp thị trường chứng khoán đi lên và giá đồng USD tăng mạnh. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn giảm khoảng 0,5% do tăng USD tăng giá sau khi giới đầu tư lãi suất USD sẽ sớm tăng trong năm nay.
Xét về dài hạn, giá vàng sẽ chịu nhiều áp lực khi mà lãi suất USD tăng lên, bởi khi lãi suất USD tăng giá, giá trị của đồng bạc xanh này càng được nâng lên trong khi đó vàng là mặt hàng phi lãi suất. Thông thường, giá vàng và USD diễn biến trái chiều.
Ở một diễn biến khác, nhu cầu vàng của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, khá mạnh, trong khi nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, vẫn ảm đạm khi chênh lệnh giá vàng nội địa và quốc tế trên sàn giao dịch vàng Thượng Hải chỉ ở 1 USD/ounce