Chạy trốn tình yêu
- Y học 360
- 13:32 - 27/01/2016
Tôi phì cười về cái lý do hết sức đơn giản và đầy phức tạp của Hùng, mà đời sống hôn nhân vẫn thường gặp. Cuộc sống hiện đại đã cho phép tự do tìm hiểu, tự do hôn nhân và các cặp vợ chồng ngày nay đến với nhau trước hết là vì tình yêu. Quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã trở nên lỗi thời. Và có lẽ vì sự tự do và độc lập trong quyền quyết định cuộc sống hôn nhân của mình mà ngày nay tỉ lệ ly hôn cũng tăng nhiều hơn. Một trong những lý do không nhỏ dẫn đến việc ly hôn hiện nay lại thuộc về những người chủ động “chạy trốn”, thoát khỏi là vì bị đối phương (vợ hoặc chồng) yêu nhiều quá.
Yêu và ghen nhiều quá sẽ làm cuộc sống trở nên mệt mỏi (ảnh minh họa)
“Tôi đã trở thành một “cậu con trai lớn” của vợ tôi. Tôi biết cô ấy rất yêu tôi, thậm chí nhiều hơn tình cảm tôi dành cho cô ấy, đó là điều may mắn nhưng cũng thật không may đối với tôi. Ngoài việc lo lắng cho miếng ăn, giấc ngủ rất chu đáo của vợ thì tôi gần như bị ngộp thở vì “bị” chăm sóc quá kỹ. Thử tưởng tượng, đi đâu, làm gì nếu chưa kịp báo cáo, lập tức tôi sẽ bị “truy” đến cùng. Thậm chí có hôm đang làm việc với khách hàng, tôi liên tục nhận những cuộc gọi của vợ tra vấn đang ngồi với ai, sao giờ này chưa về, ngồi ở đâu…? Có khi không tin, cô ấy đòi nói chuyện với khách hàng xem có thực sự là cuộc làm việc hay không? Điện thoại của tôi luôn bị “tìm hiểu” rất kỹ từ tin nhắn, cuộc gọi đến và đi, nhất là những liên lạc trước khi tôi về đến nhà. Tính tư hữu và đa nghi của người phụ nữ trong cô ấy đã làm tôi mệt mỏi và căng thẳng. Đến một ngày, tôi dũng cảm quyết định đường ai nấy đi”.
Đối với một người đàn ông đang tuổi “chín” về sức khỏe, tri thức, nghề nghiệp như Hùng thì việc quyết định “ra ở riêng”, bắt đầu cuộc sống độc thân quả thật không dễ dàng. “Nhưng nó làm tôi dễ thở hơn nhiều những gì tôi đã đi qua. Giờ nghĩ lại tôi vẫn cho rằng mình đã quyết định đúng. Mỗi người đều có quyền lựa chọn lối đi cho mình. Tất nhiên tôi có thể làm lại nếu tôi muốn. Nhưng thời điểm này, tôi vẫn còn đang… sợ”. Hùng không dấu diếm suy nghĩ của mình khi tâm sự với tôi. Bất giác tôi nghĩ đến người phụ nữ của anh, có lẽ vì quá yêu thương, vì muốn được quan tâm, chăm lo và sở hữu nên cô ấy đã thất bại.
Ảnh minh họa Internet
Trường hợp của Mai cũng thật “dở khóc dở cười”. Mai đẹp. Cái đẹp đầy duyên dáng và quyến rũ được tỏa sáng từ trí tuệ. Nghề nghiệp của cô cũng được xếp vào danh mục nhiều “rủi ro” đối với đời sống gia đình: Phóng viên. Chỉ đẹp và thông minh không thôi đã khiến chồng Mai đứng ngồi không yên, công việc của Mai lại đi nhiều, tiếp xúc nhiều đối tượng nên chuyện ghen tuông ầm ĩ là khó tránh khỏi. Dù đảm đang, chu toàn với chồng con, thậm chí việc đối nhân xử thế với gia đình chồng và bạn bè của chồng rất vẹn toàn nhưng dường như cô chưa bao giờ làm hài lòng người đàn ông của mình. Sự khác biệt về lối sống, quan điểm, môi trường nghề nghiệp là rào cản rất lớn để chồng Mai có thể hiểu và cảm thông với Vợ. Mai năng động, quảng giao bao nhiêu thì ngược lại, chồng Mai, công việc của một kỹ sư thuần túy chỉ biết quan hệ với số ít bạn bè cùng cơ quan, nên anh gần như trở thành người đàn ông của gia đình. Ngoài giờ đi làm 8 tiếng theo quy định của Nhà nước, anh chỉ biết đến góc nhỏ của mình, đó là Vợ con. Vì vậy, những lần đi trễ về sớm, thời gian không cố định do đặc thù chuyên môn của Vợ đều được cho là những dấu hiệu “bất minh”. Những cuộc điện thoại ngoài giờ làm việc đều khiến anh nghi ngờ. Mối quan hệ rộng lớn, nhiều ngành nghề đều là thành “không cần thiết, đều là vớ vẩn” đối với một người đàn ông quá yêu vợ như anh. Mai nhớ lại, có lần cả nhà đi xem ca nhạc ngoài trời, gặp một một đồng nghiệp nam trẻ tuổi cùng đi, vì không biết chồng Mai đứng phía sau nên bạn ấy vỗ nhẹ vào vai cô thay cho lời chào. Lập tức, chồng Mai xông tới, túm ngực: “Mày là thằng nào mà động vào vợ tao?”. Cậu phóng viên bất ngờ, lắp bắp: “Em là đồng nghiệp của chị Mai thôi”. “Biến ngay, không có loại đồng nghiệp như thế!” Anh chồng gần như hét lên giữa đám đông. Thế là buổi tối xem ca nhạc hôm ấy đối với Mai chỉ là sự chịu đựng vì con.
Đó chỉ là một trong những lần cư xử “đáng nhớ” của chồng, trong những cơn ghen “ngẫu hứng” hoặc tiềm ẩn. Biết tính chồng, Mai hạn chế đến mức có thể các cuộc điện thoại, tin nhắn hoặc giao tiếp với những người khác giới, song dường như những buổi đàn đúm với các bạn nữ cũng khiến chồng khó chịu… Cứ thế, sự chịu đựng, cố gắng của Mai trở thành nỗi ám ảnh. Ánh mắt của chồng, đối với Mai đã trở thành sự dò xét, sự quan tâm của chồng đã trở thành điều gì đó thật bực dọc và nặng nề. Nhiều lúc Mai nói đùa với bạn bè: “Ước gì ông ấy có bạn gái để cô ta “hướng dẫn” ổng cách cư xử với phụ nữ”. Không hiểu Mai ước thật hay giả nhưng cái điều ước buồn cười ấy nói lên sự chán nản đến tận cùng cuộc sống hôn nhân thiếu sự tin tưởng và sự tự do cần thiết trong khuôn khổ của mỗi người.
Thực ra, trong cuộc sống cái gì “nhiều quá” cũng đều không tốt. Ăn nhiều quá, uống nhiều quá, quan tâm quá, yêu thương nhiều quá… đều phản tác dụng cho dù đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Biết cách yêu, biết cách ghen vừa đủ, đừng để dư thừa mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn biết bao. Bởi cuộc sống này đâu thể thiếu tình yêu!