Châu Âu vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19
- Tây Y
- 09:38 - 11/05/2022
Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 518.256,.35 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.279.670 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 556.540 và 1.489 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 473.129.155 người, 38.848.110 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 39.532 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 104.449 ca; Pháp đứng thứ hai với 56.449 ca; tiếp theo là Italy (56.015 ca) và Hàn Quốc (62.071 ca). Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 202 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 165 ca và Italy 158 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.733.003 người, trong đó có 1.024.916 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.110.185 ca nhiễm, bao gồm 524.103 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.594.388 ca bệnh và 664.390 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 193,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 149,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 12 triệu ca và châu Đại Dương 7,64 triệu ca nhiễm.
VTV cũng đưa tin, trung tâm Y học Genomics (CMG) của Bệnh viện Ramathibodi (Thái Lan) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của 3 biến thể dòng phụ của Omicron với nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn và ảnh hưởng đến phổi. Theo CMG, các biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 có thể có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Omicron gốc. Trong những tuần gần đây, WHO và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã theo dõi các diễn biến liên quan 3 biến thể phụ này tại Nam Phi và Mỹ.
Ngày 10/5, Thái Lan ghi nhận thêm 6.230 ca mắc mới (mức thấp nhất kể từ ngày 6/1) cùng 53 trường hợp tử vong (mức thấp nhất kể từ ngày 5/3). Đến nay, Thái Lan xác nhận tổng cộng trên 4,33 triệu ca nhiễm COVID-19, bao gồm 29.199 người không qua khỏi.
Ủy ban quốc gia Lào về Phòng chống COVID-19 khuyến cáo, người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới sau khi nước này mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.
Theo Ủy ban trên, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp trên thế giới, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và mở cửa du lịch trở lại có thể sẽ gây ra một làn sóng lây nhiễm mới. Để tránh nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội và thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh tay… Những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên đi tiêm. Đến nay đã có hơn 5,7 triệu người (78,88% dân số Lào) được tiêm mũi vaccine thứ nhất, và hơn 4,9 triệu người (67,57%) đã được tiêm mũi vaccine thứ 2, trong khi khoảng hơn 19,9% đã được tiêm mũi tăng cường.
Bộ Y tế Lào cho biết, sau khi ghi nhận 89 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tính tới ngày 10/5, nước này đã ghi nhận tổng cộng 208.848 người nhiễm COVID-19, trong đó có 752 trường hợp tử vong.
Giới chức Thượng Hải, Trung Quốc một lần nữa thắt chặt các hạn chế chống dịch COVID-19 dù mới cách đây vài ngày, Thượng Hải cho biết đã kiểm soát được dịch bệnh. Theo hãng tin AP, thông báo được phát đi ở một số quận tại Thượng Hải cho biết, người dân được lệnh phải ở nhà và việc giao hàng không cần thiết sẽ bị ngừng như một phần của "thời kỳ yên tĩnh" kéo dài ít nhất cho đến hết ngày 11/5. Hiện không rõ nguyên nhân tại sao giới chức Thượng Hải lại đưa ra quyết định siết chặt phong tỏa dù số ca mắc mới đang trên đà giảm. Trong 24 giờ qua, Thượng Hải đã ghi nhận số ca mắc mới dưới mức 4.000 trường hợp, ít hơn so với những ngày trước đó. Các ca mắc mới này hầu hết đều không có triệu chứng.