Châu Âu: Số người xin tị nạn tăng mạnh với số lượng tương đương ở mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
- Tây Y
- 17:10 - 27/12/2021
Báo cáo do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, số người nộp đơn xin tị nạn ở các nước EU tăng mạnh trở lại với số lượng tương đương mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 9 vừa qua, có 60.800 người nộp đơn xin tị nạn lần đầu ở EU, tăng 58% so cùng kỳ năm ngoái và ngang bằng với con số này của tháng 2/2020. Đức là "điểm đến" hàng đầu của người di cư, tiếp theo là Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Trong khi đó, Anh cũng là "miền đất hứa" khi số người di cư vượt Eo biển Manche từ Pháp sang Anh năm 2021 tăng gấp ba lần, lên hơn 27.000 người, mức cao nhất từ trước đến nay. Cùng với số lượng người vượt biên trái phép tăng cao, số người chết trong các hành trình nguy hiểm này cũng tăng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng người di cư vượt biên vào Anh qua Eo biển Manche, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực chung. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng gồm Bỉ và Hà Lan cũng như các đối tác trên khắp lục địa nếu muốn giải quyết hiệu quả vấn đề này. Chính phủ Bỉ cho biết, EU sẽ cung cấp 150 container cho Bỉ để tăng cường năng lực tiếp nhận những người xin tị nạn của quốc gia này, vốn đang chịu áp lực từ sự gia tăng mạnh đơn xin tị nạn từ người Afghanistan. Theo Văn phòng Hỗ trợ tị nạn châu Âu (EASO), ngoài Bỉ, EASO cũng cung cấp hỗ trợ cho Tây Ban Nha, Cộng hòa Cyprus (Síp), Hy Lạp, Italia, Latvia, Litva, Malta.
Bên cạnh các hành động phối hợp ngăn chặn người di cư, vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc giữa các thành viên EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban chỉ trích việc EU chặn các khoản ngân sách dành cho Budapest, đồng thời khẳng định Hungary sẽ tiếp tục thực thi các quy định nghiêm ngặt về nhập cư. Phản ứng của Hungary được đưa ra sau khi các quan chức hàng đầu của EU cho biết, ngoài Ba Lan, Hungary sẽ khó nhận được phần viện trợ đầu tiên trong khoản ngân sách trị giá hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 của EU, do những tranh cãi liên quan vấn đề dân chủ tại Hungary và biện pháp ứng phó của chính phủ nước này đối với vấn đề nhập cư. Thủ tướng Orban khẳng định, Hungary sẽ tiếp tục thực thi các quy định khắt khe về nhập cư, đồng thời chỉ trích các chính sách của EU đã trở nên lỗi thời khi phải đối mặt làn sóng nhập cư ồ ạt kể từ năm 2015. Tòa án Hiến pháp Hungary đã ra phán quyết về việc nước này có quyền áp dụng các biện pháp riêng trong những lĩnh vực EU chưa thực hiện các bước thích hợp để thực hiện các quy tắc chung của EU. Hungary không chấp nhận phán quyết của tòa án EU cho rằng, Budapest vi phạm luật EU bảo vệ người di cư khi trục xuất họ đến biên giới Serbia.
Cho rằng phải chặn người nhập cư bên ngoài biên giới của mình, Hungary đã kêu gọi EU nhanh chóng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong công tác quản lý người di cư theo cam kết vì Ankara đóng vai trò quan trọng trong việc "chặn từ đầu nguồn" làn sóng di cư, giúp bảo vệ châu Âu. Châu Âu đang chịu sức ép chưa từng có trong vấn đề người di cư, trong đó việc bảo vệ biên giới phía nam của Hungary xuất phát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hungary kêu gọi EU chuyển toàn bộ 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ theo cam kết cũng như hỗ trợ nỗ lực bảo vệ biên giới của nước này để ngăn chặn làn sóng người di cư.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vốn được coi là "chốt chặn" người di cư giúp EU, cho biết đang quản lý số lượng người tị nạn lớn nhất trên thế giới kể từ năm 2014, khi làn sóng tháo chạy khỏi Afghanistan tiếp diễn. Đây là thách thức lớn đối với cả châu Âu khi vừa phải tăng cường phối hợp và giải quyết các bất đồng nội khối, vừa phải hợp tác tốt với Anh và Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó làn sóng di cư đang đổ tới "lục địa già".