THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:16

Chật vật mưu sinh vì dịch covid - 19

Nhà hàng, quán xá đóng cửa, nhân viên mất việc

Tại Hà Nội những ngày này, đường phố khá vắng vẻ, nhiều cửa hàng treo tấm biển "đóng cửa hàng", hoặc "cho thuê mặt bằng". Người dân hạn chế ra đường. Nhiều quán cafe ở trung tâm vắng khách.

Tại phố Duy Tân, (quận Cầu Giấy) nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ nhân viên văn phòng 2 tháng nay luôn trong cảnh cảnh đìu hiu, không có khách. Một chủ quán bún ngan chia sẻ: "Nếu như trước đây mỗi ngày tôi bán gần 1 tạ bún thì giờ chỉ bán được khoảng 30 - 40kg/ngày. Nhân viên hàng chục người làm việc luôn chân, luôn tay vẫn không kịp phục vụ khách, giờ đã cắt giảm đến 50% nhân sự mà vẫn chơi dài. Cũng may cửa hàng là của nhà không phải đi thuê nếu không thì cũng đóng cửa từ lâu vì thu không đủ chi".

Chật vật mưu sinh vì dịch covid - 19 - Ảnh 1.

Nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa vì dịch Covid 19.

Cùng cảnh trên, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thời trang tại Hà Nội cho biết, từ khi Thủ đô xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, lượng khách đến quán giảm hẳn. Thay vào đó, khách hàng đã dịch chuyển sang tiêu dùng online. Anh Nguyễn Mạnh Tùng, chủ quán cơm văn phòng tại phố Duy Tân cho biết: Trước đây, chỉ riêng buổi trưa, nhà hàng phục vụ khoảng 200 suất, chủ yếu là khách đến quán ăn và số ít mua mang về. Do khách đông nên cửa hàng không phục vụ bán online. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, khách hàng lo sợ tụ tập nơi đông người dễ bị lây nhiễm Covid-19 nên lượng khách đến cửa hàng ăn giảm 80%. "Để đảm bảo doanh thu và đáp ứng nhu cầu thực khách, quán chúng tôi buộc phải mở rộng các dịch vụ ship hàng tận nhà. Những ngày này, lượng khách đặt thức ăn qua các ứng dụng đặt hàng, giao tận nơi như GrabFood, Now... Do đó, dù lượng khách đến quán giảm 80% so với trước nhưng doanh thu của cửa hàng chỉ giảm 20%", anh Tùng chia sẻ.

Chị Đặng Thu Thảo (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây, buổi trưa chị thường đi ăn cơm văn phòng. Tuy nhiên, từ ra Tết đến nay, chị cùng mọi người ở công ty quyết định gọi cơm về tại văn phòng ăn, tránh tụ tập chỗ đông người, có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Một số người lại quyết định mang cơm từ nhà để đảm bảo an toàn.

Do nhu cầu thuê shipper tăng trong bối cảnh hiện nay nhưng không ít shipper lo sợ dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều người chọn phương án tạm dừng ít ngày để… nghe ngóng. Anh Nguyễn Văn Nam, 32 tuổi, một shipper chia sẻ: "Nghỉ như này cũng thương các "shop ruột" vì họ không thuê được ship hoặc có thuê thì giá rất cao trong khi mình cũng chẳng có việc. Nghỉ làm, coi như không có thu nhập nhưng dịch bệnh thì cũng rất khó để có được tâm lý thoải mái khi đi làm".

Đang là đầu bếp của một cửa hàng ăn trên phố với mức lương 15 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Văn Mạnh (Thái Nguyên) bỗng thất nghiệp. Để có thể cầm cự ở Hà Nội anh đành chuyển sang nghề xe ôm, đợi khi nào chủ quán mở cửa hàng trở lại sẽ làm việc tiếp. Anh Mạnh kể, trước kia quán lẩu anh làm trung bình mỗi ngày bán được khoảng 100 nồi lẩu nhưng kể từ khi dịch bệnh xảy ra, khách đến ăn giảm hẳn. Mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10 - 20 nồi lẩu. Không cầm cự được chủ cửa hàng đành đóng cửa, nên nhân viên không còn việc để làm. Vì vậy anh đành chuyển sang chạy grab food để sinh sống.

Trường tư đóng cửa, giáo viên thất nghiệp

Đang có một công việc ổn định tại một trường mầm non tư thục với mức lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi dịch Covid -19 xảy ra cô N.T.H. ở thị xã Sơn Tây nhận được quyết định cắt hợp đồng lao động vì trường đóng cửa không có kinh phí hoạt động.

Gần 2 tháng nay, cô H. có thêm nghề mới - giúp việc. Thời gian rảnh rỗi, cô tranh thủ đan hạt kiếm thêm thu nhập. Cô H. tâm sự: "Mặc dù không xin được vào trường công nhưng được dạy ở trường tư tôi cũng rất mừng vì dù sao mình cũng được làm công việc đúng với chuyên ngành đã học. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học đóng cửa nên nguồn thu nhập cũng không còn. Chính vì thế tôi phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để có thêm thu nhập. Thời gian đầu khi tôi làm giúp việc cũng ngại nhưng biết làm sao được khi khó khăn thì phải bắt buộc tìm đường sống thôi".

Mới đây, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng, các bộ, ban, ngành về vấn đề hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nếu không sẽ họ sẽ bị phá sản vì không cân đối được thu chi.

Chật vật mưu sinh vì dịch covid - 19 - Ảnh 3.

Dân văn phòng đặt đồ ăn online.

Bản kiến nghị nhận định hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho khối giáo dục tư nhân là vô cùng khốc liệt. "Theo khảo sát nhanh của chúng tôi, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi". Các trường cũng nhấn mạnh việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam. Với hệ giáo dục mầm non, hàng trăm cơ sở phá sản sẽ dẫn đến các cháu bé không có người trông nom, chăm sóc, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm.

Với các trung tâm ngoại ngữ, trung bình chi phí đầu tư một cơ sở vừa phải sẽ tốn từ 2 - 5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc.

Khối trường phổ thông tư nhân cũng đang đối diện với áp lực tương tự. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5 - 10 triệu đồng/tháng), là khoảng 80 - 200 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây. Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay xở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh). Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và Hà Nội, sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỷ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.

Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng

Anh Trung Kiên - tài xế taxi trú tại quận Nam Từ Liêm cho biết, từ sau tết Nguyên đán trở lại đây, lượng khách giảm rất nhiều. Do tình hình dịch bệnh, số lượng người di chuyển ít nên hầu hết lái xe về quê, một phần vì không có việc làm, một phần để tránh dịch. "Trước đây, nếu chịu khó chạy mỗi ngày tôi làm được gần 1 triệu đồng. Trừ các chi phí, mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Nhưng hiện tại, mỗi ngày tôi làm không để ra nổi 200.000 đồng. Có những ngày chờ 2 - 3 giờ không có khách đi nên từ đầu tháng đến giờ tôi nghỉ, bạn bè làm taxi cũng kéo nhau về quê hết", anh Kiên cho hay.

Anh Nam, nhân viên một công ty tổ chức sự kiện ở Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Nam cho biết, những năm trước, sau tết thường có rất nhiều hợp đồng quảng bá sản phẩm, nhưng năm nay hầu như không có sự kiện nào vì dịch Covid-19. Anh Nam được công ty cho tạm nghỉ tại nhà. Không dám về quê, anh Nam ở lại Hà Nội, nhận giao hàng cho một cửa hàng bán thực phẩm online.

Chật vật mưu sinh vì dịch covid - 19 - Ảnh 4.

Nhiều chủ cửa hàng phải trả lại mặt bằng.

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), từ đầu năm đến nay, trung tâm mới tiếp nhận thông tin của gần 700 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với 7.150 vị trí tuyển dụng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề như kinh doanh, cơ khí, điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật… Trong khi đó, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên. Riêng tháng 2/2020, toàn thành phố có hơn 4.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với tháng 2/2019.

Cục Thuế Hà Nội cho biết 2 tháng đầu năm đã có trên 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn phải giải thể, đóng cửa và tạm nghỉ kinh doanh. Trong đó có hơn 3.000 hộ kinh doanh phản ánh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh do COVID-19.

CHÂU ANH - VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh