Chất lượng không khí diễn biến xấu: Hà Nội “đứng đầu”
- Y học 360
- 15:36 - 23/02/2020
Ngày 22/2, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020 tiếp tục có những diễn biến xấu về chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam, đặc biệt là tại Hà Nội.
Số liệu quan trắc cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn có giá trị đạt quy chuẩn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN).
Tại một số đô thị khu vực miền Bắc như thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Hà Nội, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất.
Hà Nội nhiều ngày chất lượng không khí ở mức kém
Trong tháng 1/2020 Hà Nội có 9 ngày thông số bụi mịn PM2.5 tại các trạm quan trắc vượt quá giới hạn cho phép tại QCVN; tháng 2/2020 (tính đến ngày 20/2) có 11 ngày vượt giới hạn cho phép.
Theo Tổng cục Môi trường, trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến 29/1 (thời gian diễn ra Tết âm lịch, lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, các hoạt động sản xuất, dịch vụ… cũng hạn chế) nhưng giá trị trung bình thông số bụi mịn PM2.5 thấp hơn giới hạn cho phép nhiều lần, chất lượng không khí cơ bản ở mức tốt và có sự cải thiện đáng kể.
Trong khoảng thời gian gần đây (từ ngày 14/2 đến 21/2), kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị bụi mịn rất cao - ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép.
Kết quả tính toán tại các trạm đo ở Hà Nội từ ngày 1/1 đến 18/2 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).
Trong thời gian gần đây (từ ngày 18-21/2), chất lượng không khí đang có xu hướng bị suy giảm, trong ngày 20-21/2 ở mức rất xấu (AQI >200) ở nhiều trạm. Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng ngày 21/2.
“Chỉ khi thời tiết có sự thay đổi (có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù…) thì chất lượng không khí mới có thể cải thiện”- Tổng cục Môi trường cho hay.
Người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí
Thống kê của Tổng cục Môi trường ghi nhận, 2 tháng đầu năm 2020 thành phố Hạ Long chỉ có 4 ngày thông số bụi mịn PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.
Tại các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), thông số bụi mịn PM2.5 cơ bản đạt QCVN cho phép.
Trong khi đó, kết quả quan trắc ghi nhận một số ngày ở TPHCM có bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép.
Tổng cục Môi trường cho rằng Thủ đô Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí - trong đó có PM2.5 - cao nhất trong năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau).
Tuy nhiên, thời điểm nghỉ Tết âm lịch, chất lượng không khí ở mức tốt. Trong một vài ngày gần đây, chất lượng không khí có xu hướng bị suy giảm, đồng nghĩa với mức độ ô nhiễm ngày càng tăng.
Vì thế cơ quan này lưu ý người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, khi ở nhà thì nên hạn chế mở cửa.