Chẳng ai dọn đường thành công cho bạn, mọi thứ đều phải trả 'phí'
- Bác sĩ
- 16:09 - 25/06/2020
Cha mẹ là "cơm chùa", bạn bè là "cơm từ thiện", xã hội là "cơm tiệm"
Sống cả đời này, người có thể không tính toán, cho bạn "ăn chùa, uống chùa, mặc chùa", chỉ có cha mẹ.
Họ có thể hi sinh mọi thứ vì bạn mà không đòi hỏi bạn trả giá lại điều gì.
Hôm qua, đồng nghiệp cùng phòng không đi ăn trưa cùng chúng tôi nữa. Vì chúng tôi đều làm cùng nhau được hơn một năm, mọi người đều rất quen thuộc. Thế nên, tôi cùng mọi người khẽ cười chọc cô ấy:
"Sao thế? Hôm nay có hẹn đi ăn trưa cùng tình yêu rồi à?"
Cô ấy nghe thế liền hạnh phúc lôi hộp cơm từ cái túi xách cô ấy luôn mang theo bên người ra rồi nói với chúng tôi:
"Không phải, mấy hôm nay mẹ mình từ quê lên thăm. Thấy mình hay bỏ bữa nên liền nấu cơm cho mình đem đến công ty."
Có vài người tò mò, đứng nán lại xem cơm mẹ cô ấy làm có ngon không. Cô ấy cũng không ngại mở ra cho chúng tôi ăn thử.
Hộp cơm nhìn bề ngoài nhỏ nhắn, xinh xắn là thế, nhưng món ăn được chứa đựng bên trong lại rất phong phú. Tuy chỉ là những món ăn gia đình không cầu kì, nhưng món mặn, món xào, món canh đều có đủ cả. Mẹ cô ấy còn tâm lý để kèm một phần nho làm trái cây tráng miệng.
Chúng tôi ai cũng rất ngưỡng mộ, có người không nhịn được xin ăn thử, sau đó liền trầm trồ khen ngợi:
"Đúng là chuẩn cơm mẹ nấu!"
Trước khi chúng tôi đi, còn được cô ấy tặng một đòn bánh tét thiệt to, bảo là do mẹ cô ấy tự tay gói, dặn nhớ cắt bánh chia cho đồng nghiệp ăn cùng.
Cả phòng lại lục tục cám ơn rồi hăm hở cầm đòn bánh tét đi ăn trưa luôn. Lúc ngồi ăn, có người không nhịn được kể với giọng điệu bùi ngùi.
Lên thành phố đã hơn 5 năm, cô ấy trở thành khách quen của nhiều tiệm cơm ở đây. Phần vì lười nấu ăn, phần vì công việc hay tăng ca, cô ấy đã quen với việc ăn ngoài. Cứ tiệm cơm nào ăn thấy ngon, cô ấy liền hay ghé thường xuyên, có khi còn đặt cơm theo tháng để ăn. Có mấy hôm được về sớm, vừa về nhà ăn cơm hộp vừa xem chương trình "Ẩm thực mẹ làm", cô ấy thực sự rất nhớ nhà, nhớ mùi vị thức ăn mà mẹ hay làm.
Mỗi chúng ta, ai cũng đều sẽ như vậy. Cơm mẹ làm như "cơm chùa", làm từ cái tâm, vừa ngon lại miễn phí. Vậy mà khi còn nhỏ rất nhiều lần vì mê chơi, chúng ta lại hay ghét bỏ tiếng mẹ gọi về ăn cơm mỗi chiều.
Để rồi khi lớn lên, chúng ta lại đi khắp nơi dùng tiền kiếm tìm những món ngon mang hương vị của thuở nhỏ mà chúng ta từng được thưởng thức.
Khi sa cơ lỡ vận, chúng ta sẽ rất nhớ đến bữa cơm đầm ấm đó. Nhưng đi đâu tìm?
Bạn bè có thể cho bạn ăn nhờ một, hai tháng, nhưng không thể nuôi bạn cả đời. Họ có thể cảm thông, nhưng không thể hi sinh tất cả vì bạn. Giống như những bữa cơm từ thiện, người ta có lòng tốt, nhưng không đủ khả năng hôm nào cũng phát thiện tâm như thế.
Người ta làm từ thiện, cũng có hôm, có đợt, chứ không phải 365 ngày/ năm, không phải cả đời.
Trưởng thành là gì?
Là khi bạn nhận ra mình ăn "cơm tiệm" nhiều hơn "cơm nhà", là khi bạn ở nhà thì ít, mà ma sát với xã hội thì nhiều.
Cơm nhà chỉ có một, cơm tiệm thì rất nhiều. Nhưng mỗi phần ăn đều định sẵn mức giá riêng của nó.
Xã hội chính là "cơm tiệm", người ta không cho không ai cái gì, bạn có "tiền", họ chịu "bán cơm"; bạn có giá trị, họ trọng dụng; bạn không có giá trị, họ cho bạn go out!
Tại sao con người ta càng lớn lại càng phải nỗ lực cố gắng?
Bởi vì họ không muốn cha mẹ mệt nhọc lo "cơm nhà", cũng không muốn làm phiền bạn bè cho "cơm từ thiện", chỉ còn cách tự mình kiếm tiền mua "cơm tiệm" mà thôi!
Muốn thành công, phải chịu trả giá
Đường thành công thì luôn rộng mở, nhưng không phải ai cũng có thể đi hết quãng đường này.
Kế bên nhà tôi là nhà của một cô giáo dạy Anh văn cấp một. Hằng ngày, mỗi khi đi làm về, tôi đều nghe thấy tiếng trẻ em học hành nghiêm chỉnh ở bên ấy.
Nhưng hôm nay lại khác với mọi khi, tiếng đọc bài không có, ngược lại có tiếng ồn ào như đang cãi vã.
Hóa ra có người cùng xóm nhờ cô ấy dạy tiếng anh cho con trai đang học lớp 3 của mình. Nghe nói thằng bé học kém lắm, thành thử phải cho nó học thêm mới mong lên lớp nổi.
Cô giáo kia đồng ý, nhưng vẫn thu tiền học phí như mọi học trò khác.
Thế mà người phụ nữ cùng xóm này lại không chịu, nhất quyết một hai lôi "tình làng nghĩa xóm" ra nói chuyện rồi kết luận: "Cô ráng giúp dùm cho cháu!"
Cô giáo kia không đồng ý, bảo cô ấy dạy học cũng là vì cuộc sống, dù sao việc thu học phí cũng phải công bằng giống như phụ huynh mọi đứa trẻ khác. Cô ấy có thể lén giảm tiền cho chị ta, nhưng không thể free hết như vậy được.
Chị ta nghe thế liền bảo cô giáo này "hám tiền", cất tiếng chửi mắng thô tục, tỏ vẻ vô cùng giận dữ.
Việc này đến khi chồng cô giáo kia về gọi công an đến mới giải quyết xong.
Xã hội có lắm người thật kì lạ. Câu chuyện nhỏ này cũng làm tôi nhớ đến lá thư một độc giả gửi đến gần đây.
Cô ấy hiện tại đã là một doanh nhân thành đạt, nhưng lắm kẻ tự nhận là "dòng họ quen thân" đến xin xỏ hoặc hỏi cách làm giàu.
Cô ấy thật sự rất ghét những người như vậy, không chịu làm mà cứ muốn có cơm ăn.
Người ta phải trải qua bao khó khăn, vấp ngã bao nhiêu lần, nỗ lực đứng lên lại bấy nhiêu bận mới có thể đứng ở vị trí của ngày hôm nay. Trong khi nhiều người lại muốn không trả "tiền học phí" mà học được kĩ năng, lấy "bằng tốt nghiệp".
Đời đâu có chuyện dễ dàng như vậy.
Bạn muốn thành công, bắt buộc bạn phải dùng nỗ lực đến trả giá. Còn nếu bạn muốn được "miễn phí" hướng dẫn, có chờ cả đời cũng không thoát nghèo nổi.